Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn để đổi mới công nghệ

29/10/2018 - 07:47

BDK - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) muốn đứng vững và phát triển đòi hỏi phải dựa vào công nghệ và thực hiện đổi mới công nghệ (ĐMCN) để có được năng suất và chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, việc ĐMCN còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn cho hoạt động này.

DNNVV tỉnh sử dụng công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu là tập trung vào gia công, sơ chế hoặc sản xuất các sản phẩm đơn giản. Trình độ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất của các DNNVV hiện rất thấp. Theo kết quả khảo sát 244 DNNVV đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có 86,6% doanh nghiệp (DN) đang áp dụng thiết bị máy móc thủ công và bán tự động. Trong đó, có 64% DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, 18,4% DN trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, 16,7% DN trong lĩnh vực xây dựng và 0,9% trong lĩnh vực khai khoáng. Một số DN đã ứng dụng công nghệ cao, thiết bị điều khiển lập trình bằng máy vi tính… Tuy nhiên, mức độ tự động hóa của các DN chưa cao, vẫn còn nhiều công đoạn thủ công và bán thủ công, chiếm 13,4% DN. 

Các DNNVV tại tỉnh ít quan tâm đến việc xây dựng dự án ĐMCN, có 70,1% DNNVV được khảo sát cho rằng không dự định ĐMCN trong 5 - 10 năm tới, do chi phí cao. Vấn đề thiếu vốn để ĐMCN, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của DNNVV tỉnh đã trở thành một vòng lẩn quẩn: vốn ít dẫn đến mức đầu tư cho công nghệ thấp, từ đó năng suất thấp và tốc độ tăng trưởng thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp lại là yếu tố dẫn đến mức độ tích lũy vốn thấp. Do đó, giải pháp tài chính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp DNNVV ĐMCN, đặc biệt hỗ trợ DN khai thác nguồn vốn từ các quỹ, bởi vì nguồn tín dụng từ ngân hàng luôn đi kèm với tài sản thế chấp, với các quy định khắt khe do e ngại nợ xấu và lãi suất cao, trong khi đó, các DNNVV khó đảm bảo được các yêu cầu này.

Một số ít dự án của tỉnh được tiếp cận và hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ, Quỹ khuyến công và vốn AMD Bến Tre. Tuy nhiên, nguồn vốn tiếp cận còn quá ít, chưa thỏa mãn nhu cầu của DN. Để nâng cao hiệu quả của nguồn quỹ này, cần có những đổi mới trong chính sách khai thác.

 Đối với Quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ, Quỹ khuyến công, Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh và Quỹ hợp tác công - tư của Dự án AMD Bến Tre không nên chỉ chú trọng các DN khởi nghiệp hoặc các đề tài nghiên cứu mà cần chú ý đến tính thực tiễn hoạt động DNNVV. Mở rộng hỗ trợ các DNNVV xây dựng phương án ĐMCN giúp khắc phục hạn chế về năng lực tiếp cận công nghệ của các DN này. Cần chủ động phối hợp với ban, ngành tỉnh, hội và hiệp hội hỗ trợ DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn và tư vấn cho DN xây dựng dự án ĐMCN phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường.

Hình thành và phát triển Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Mặc dù các quỹ này không liên quan trực tiếp đến việc ĐMCN nhưng lại là nguồn hỗ trợ tài chính cho DNNVV tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, không thế chấp tài sản khi vay. Tuy nhiên, để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả, cần phải khắt khe trong việc thẩm định các dự án ĐMCN. Cần có cơ chế phối hợp, liên kết giữa quỹ với các ngân hàng, sở ngành tỉnh và địa phương, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng.

DNNVV muốn tiếp cận nguồn vốn từ quỹ cần phải xây dựng phương án ĐMCN khả thi và có hiệu quả cao về lợi ích. Về phía tỉnh, cần xây dựng hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động cũng như thông tin về quỹ đến các DNNVV.

Phan Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN