Doanh nghiệp nỗ lực để thích ứng với Covid-19

14/05/2021 - 06:51

BDK - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đều gặp khó khăn. Một số DN tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều DN đã từng bước thích ứng, chủ động phòng chống dịch Covid-19 và không ngừng nỗ lực, sáng tạo hơn để duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

Các doanh nghiệp đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.

Các doanh nghiệp đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.

Sản xuất tăng trưởng khá

Theo báo cáo của Sở Công Thương, 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 4 tháng ước đạt 11.170 tỷ đồng, tăng gần 10,4% so với cùng kỳ và đạt gần 29,4% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 451 triệu USD, tăng gần 23,2% so với cùng kỳ và đạt trên 30% kế hoạch. Đây là những dấu hiệu tích cực, cho thấy DN trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt đầu khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hoạt động đăng ký đầu tư mới cũng có phần khởi sắc. Trong tháng 4-2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 52 DN và 32 đơn vị trực thuộc, với tổng vốn đăng ký ban đầu 358,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng DN đăng ký trong tháng 4-2021 tăng 31 DN, nguồn vốn đăng ký ban đầu gấp 6,52 lần. Tính từ đầu năm đến tháng 4-2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 157 DN, đạt 24,53% so với kế hoạch, tổng vốn đăng ký ban đầu tăng 25,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn còn DN hoạt động không hiệu quả, phải làm thủ tục giải thể hoặc thông báo tạm ngừng hoạt động. Trong tháng 4-2021, có 10 DN làm thủ tục giải thể, so với cùng kỳ tăng 2 DN; 8 DN thông báo tạm ngừng hoạt động, so với cùng kỳ giảm 8 DN. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 15-4-2021, toàn tỉnh có 35 DN làm thủ tục giải thể, tăng 2 DN so với cùng kỳ năm 2020 và 81 DN làm thủ tục tạm ngừng hoạt động, giảm 27 DN so với cùng kỳ.

Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long cũng như nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức sản xuất, cách thức tiếp cận khách hàng. Các DN cũng đã tìm thấy cơ hội trong khó khăn, bằng cách mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu theo từng đối tượng khách hàng… Nhờ những nỗ lực đó, các DN Bến Tre đã có thể cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất, đội ngũ công nhân lao động cho đến thời điểm này.

Theo bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, nhờ những nỗ lực đó, công ty duy trì hoạt động sản xuất cũng như đời sống công nhân lao động tại công ty. Hướng tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất sản phẩm mới là ống hút dừa để xuất khẩu, với mục tiêu tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.

Giải pháp chiến lược duy trì hoạt động

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đổi mới sáng tạo sản phẩm và mô hình kinh doanh, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch Covid-19, Giám đốc Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long Trương Thị Cẩm Hồng, cho rằng DN cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường dài hạn và ngắn hạn, bán cái khách hàng cần; thực hiện chuyển đổi số trong DN một cách triệt để từ quản trị nhân sự, kế toán, đến bán hàng, kê khai thuế trên môi trường Internet; nghiên cứu và áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thông qua mạng xã hội giới thiệu sản phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm qua các kênh bán hàng online và luôn quan tâm đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị.

Bà Ngô Tường Vy -  Phó giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu bộc bạch: Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng Mỹ và châu Âu vẫn là thị trường chính của công ty. Vì thế, công ty gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển đường hàng không, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển logistics. Cả hai vấn đề về giá và thời gian đều đội lên gấp nhiều lần, khiến chi phí logistics đội lên quá lớn. “Giải pháp của DN là chọn sầu riêng đông lạnh để làm sản phẩm chủ lực phát triển xuất khẩu. Theo đó, công ty xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, đồng hành cùng nông dân, các đơn vị logistics để chuỗi này có thể hỗ trợ qua lại, khai thác và phát triển đúng tiềm năng của nó. Đồng thời, đầu tư cải thiện công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Ngô Tường Vy cho hay.

Tình hình logistics trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để thích ứng trong bối cảnh này, lựa chọn sản phẩm kinh doanh là vấn đề tiên quyết để DN sống còn, tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì hoạt động. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết về tình hình xuất khẩu nông sản của DN cũng gặp rất nhiều khó khăn tương tự. Cụ thể, sản phẩm mật ong đi Mỹ đang chịu ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, so với năm 2020 thì hiện DN đã quen cách vận hành mới trong bối cảnh dịch Covid-19, không còn lúng túng, trở ngại như ban đầu.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho rằng thuận lợi của DN là tập trung vào thị trường ngách, lựa chọn sản phẩm bảo vệ sức khỏe nên được người tiêu dùng lựa chọn, tín nhiệm. Bên cạnh đó, DN đẩy mạnh chế biến sản phẩm chất lượng. Mặc dù tình hình khó khăn do dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu là chuẩn bị công bố mật ong gừng, nước ép bưởi, nha đam…

“Vấn đề hiện nay là DN làm sao giữ vững được chất lượng, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu, tập trung thị trường nội địa, ngách để đảm bảo sản phẩm. Bên cạnh đó, để đồng hành cùng DN, Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Có sự quan tâm hỗ trợ DN tự công bố sản phẩm…”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho biết.

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN