Doanh nghiệp phát huy thế mạnh của thương mại điện tử

04/12/2015 - 07:22

Khách hàng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận DNTN sản xuất kẹo dừa Thanh Long sau khi xem giới thiệu trên website của doanh nghiệp.

Toàn tỉnh có trên 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất có doanh thu khá ổn định. Bên cạnh mua bán truyền thống, các doanh nghiệp từng bước phát huy thế mạnh của thương mại điện tử (TMĐT).

Hiện nay, TMĐT góp phần cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ngày càng ổn định và phát triển. Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Khu Công nghiệp An Hiệp - Châu Thành) cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, công ty sản xuất sữa dừa (nước cốt dừa) đóng lon với sản lượng 15 ngàn tấn/năm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm của công ty đã có mặt tại thị trường: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Nam Phi. Sở dĩ chúng tôi sản xuất ngày càng nhiều về số lượng, tăng chất lượng sản phẩm nhờ áp dụng TMĐT. Qua TMĐT, chúng tôi giới thiệu sản phẩm bằng hình ảnh, video clip, tin, bài, phóng sự. Sau khi khách hàng xem thì đăng ký mua bán với chúng tôi qua internet”.

Hiện nay, trên các trang mạng bán hàng online tại TP. Hồ Chí Minh đều có sự tham gia của DNTN kẹo dừa Tuyết Phụng (thị trấn Mỏ Cày - Mỏ Cày Nam). Chủ doanh nghiệp Phạm Thị Tuyết Trang phấn khởi: “Hơn 2 năm qua, ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, chúng tôi bán hàng qua TMĐT tại TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre. Sản phẩm của chúng tôi xuất đi liên tục mỗi ngày từ Cà Mau đến Hà Nội nhờ khách hàng đăng ký qua TMĐT. Cũng nhờ TMĐT, nhiều du khách nước ngoài tìm hiểu đặt mua sản phẩm kẹo dừa của chúng tôi. Mỗi ngày, chúng tôi sản xuất gần 1 tấn kẹo dừa và kẹo chuối mới đủ phục vụ khách hàng qua TMĐT. Vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi phải sản xuất trên 1 tấn kẹo dừa, kẹo chuối”. Trên trang website của DNTN kẹo dừa Tuyết Phụng, bên cạnh kẹo dừa, kẹo chuối, còn có nhiều sản phẩm từ dừa: hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, nước màu dừa, bánh phồng, bánh tráng có nước cốt dừa, kẹo mãng cầu... Các sản phẩm được giới thiệu rõ về trọng lượng, thành phần, giá cả để khách hàng dễ chọn lựa, đặt mua.

Ông Nguyễn Minh Trí - Chủ cơ sở II của DNTN kẹo dừa Thanh Long cho biết: “Từ khi tham gia TMĐT, chúng tôi thấy hiệu quả rất lớn, sản phẩm làm ra phải hơn 3 tấn mới đủ phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Được biết, sản phẩm của DNTN kẹo dừa Thanh Long đang có mặt tại một số quốc gia: Đức, Nhật Bản, Úc, Đài Loan…”.

Cũng từ thế mạnh của TMĐT, trái cây của Bến Tre (chôm chôm, bưởi…) vươn ra thị trường nước ngoài. Ông Đàm Văn Hưng - chủ vựa trái cây Hương Miền Tây ở xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc) chia sẻ: “Tham gia TMĐT có nhiều lợi ích. Vựa trái cây của tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2004 từ phương thức bán hàng truyền thống. Khoảng 3 năm nay, tôi tham gia TMĐT, ngày càng nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, tôi thành lập website để giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh được làm sạch đóng gói theo công nghệ hiện đại. Hiện nay, vựa trái cây của tôi xuất vào thị trường trong và ngoài nước từ 10 - 15 tấn mỗi ngày.

Bà Phạm Thị Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Ngày nay, bên cạnh mua bán hàng hóa theo phương thức truyền thống, còn có TMĐT. Hoạt động TMĐT góp phần tiêu thụ mạnh sản phẩm của doanh nghiệp hoặc công ty làm ra. Hoạt động này rất nhanh trong giao dịch. Qua đó, nhà sản xuất tăng nhanh số lượng sản phẩm trong tháng và trong năm. Nếu hơn 150 doanh nghiệp cùng phát huy thế mạnh của TMĐT, tôi tin rằng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ngày càng tăng và thu nhập của người dân cũng tăng dần.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích