Ông Nguyễn Văn Tu Mi, Giám đốc Công ty vàng Mi Hồng và vợ.
Thành đạt và sẻ chia
Ông Nguyễn Văn Tu Mi - Giám đốc Công ty vàng Mi Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh là người con của quê hương Đồng khởi. Ông tâm sự: “Tôi cũng hơi “ích kỷ”, một số công trình công tác xã hội của công ty luôn được tôi hướng về Bến Tre nhiều hơn, ưu tiên hơn do mình là người con của quê hương Bến Tre”. Công ty vàng Mi Hồng vừa tài trợ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm 200 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.
Đối với người Bến Tre thì ai cũng có mối quan tâm, tấm lòng hướng về quê hương, nhưng tùy điều kiện từng người, như họ đã ổn định, hay còn bôn ba. “Cuộc sống gia đình tôi ổn, 3 đứa con đã tốt nghiệp thạc sĩ hết rồi. Doanh nghiệp thì có 30 năm phát triển, ở góc độ nào đó thì tôi khá ổn định, vững vàng cho nên tôi chia sẻ với xã hội. Chúng tôi, những người trong CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh đang cố gắng với tâm huyết của mình hướng cộng đồng người Bến Tre ở TP. Hồ Chí Minh cũng như doanh nhân người Bến Tre trong cả nước quan tâm nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho quê hương Bến Tre”, ông Tu Mi nói.
Tình thương là trên hết
Ông Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thorakao, Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Về địa lý, đất Bến Tre có nhiều nhân kiệt như cụ Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… thêm vào đó, người Việt Nam vừa hiếu học, vừa có đức - nhân - nghĩa. Tại Bến Tre, từ trước giải phóng đến giờ, miếu Tiên sư năm nào cũng có giỗ hội. Bao nhiêu là bạn bè tôi, người Bến Tre là doanh nhân họ đóng góp rất nhiều cho tỉnh nhà xây dựng nhà tình nghĩa và nhiều công trình khác.
Ông Huỳnh Kỳ Trân chia sẻ tại chương trình cố vấn khởi nghiệp của Bến Tre.
“Tôi cũng biết việc chúng tôi làm là “Chỉ đàng đi buôn” cho người trẻ ở quê nhà. Tôi nghĩ rằng, ý kiến của mình, góp ý, chỉ điểm của mình sẽ giúp cho thế hệ trẻ không đi chệch đường, các bạn ấy đỡ mất thời gian và tiền của trong quá trình lập nghiệp. Với vốn kiến thức của mình đi chặng đường dài rồi, học hỏi, tích lũy được rồi thì để đó làm gì, trong lúc hoàn cảnh, hiện tại của quê hương đang cần mình. Làm được điều đó, tôi cảm thấy là mình đã tạo được niềm vui cho chính bản thân và vui nhất là nhìn thấy bạn trẻ quê mình được thành công nhanh hơn, làm ăn hiệu quả hơn. Theo tôi, cho kiến thức còn quý hơn vàng, cho kinh nghiệm, cho con đường đi đúng và sáng tạo mới để người trẻ trở thành giàu có, có kiến thức và tỏ được lòng nhân ái.
Thật ra trên đời tiền là quý, nhưng trên hết vẫn là tình thương. Điều tôi muốn nói với bạn trẻ đang lập nghiệp, con người thường bị tiền và tình thương đẩy kéo nhau. Nhưng tình thương là gốc rễ, là cái quý nhất, từ tình thương sẽ giúp chúng ta có lòng hy sinh. Cũng vì tình thương mà chúng ta vì con cái, vì đất nước, vì xã hội mà lao động, chính lao động mới tạo ra tiền, đồng tiền ấy mới thực sự bền vững”, ông Huỳnh Kỳ Trân chia sẻ thêm.
Nỗ lực vì quê hương
Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện sinh năm 1988, được nhiều người biết vì đã khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng”. Trong khoảng 10 - 20 năm, câu chuyện của Hiện mới rõ ràng. Theo Ngọc Hiện, nguồn thu nhập chính của người giữ rừng ở Bình Đại và Thạnh Phú là từ việc khai thác thủy sản tự nhiên dưới tán rừng (hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất trong quá trình sinh trưởng). Trong khi giá của các sản phẩm này còn thấp và bị đánh đồng với các sản phẩm nuôi công nghiệp cùng loại. Người giữ rừng có xu hướng khai thác tận diệt và lén lút chặt phá rừng hoặc bỏ rừng đi kiếm sống tại các thành phố lớn. Hệ lụy là diện tích rừng sẽ bị thu hẹp, nguồn tài nguyên dưới tán rừng bị cạn kiệt. Vì thế cần một giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, khuyến khích người giữ rừng gìn giữ “kho vàng” bằng cách thu mua các sản phẩm của họ đúng giá.
Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện
Ban đầu, có 2 hộ đồng ý liên kết để bán sản phẩm cho Hiện với mức giá cao hơn bình thường từ 15 - 20%. Đến nay, Ngọc Hiện đã liên kết với 20 hộ để thu mua thường xuyên, cung cấp sản lượng bình quân 2 tấn hàng/tháng. Chủ yếu là các sản phẩm sơ chế, chế biến sâu như cá, tôm… chúng đều có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên.
Du khách đến Bình Đại, họ bất ngờ về một nơi gần thành phố như thế mà vẫn giữ được một khu rừng sinh thái tốt. Từ đó, khiến tư duy người dân nơi đây thay đổi, họ nhìn thấy việc giữ gìn hệ sinh thái tốt sẽ giúp họ có thêm thu nhập, người này nhìn người kia, rồi người này làm được, người kia cũng làm được. Mỗi năm, Ngọc Hiện đón khoảng 700 lượt khách đến tham quan khu sinh thái rừng ngập mặn.
Quá trình đi xây dựng thương hiệu cho thủy sản Bến Tre khiến cô gái trẻ trăn trở: “Khi tiếp thị thị trường, ai cũng hỏi, Bến Tre có biển hả, người ta không biết, họ chỉ biết Bến Tre có dừa thôi. Thủy sản của Bến Tre là một món quà thiên nhiên, là sản phẩm đặc trưng, đặc thù; so với Phan Thiết, Cà Mau, thủy sản Bến Tre rất có tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển. Tuy diện tích rừng ngập mặn của mình không bằng Cà Mau, nhưng sản phẩm thủy sản Bến Tre thì rất chất lượng, vì đất mình giao thoa giữa nước lợ và nước mặn, nhiều phù sa, nên cua, tôm rất mập và béo, đó là điều làm cho thủy sản Bến Tre tuyệt vời”, Trịnh Thị Ngọc Hiện nói.
Bài, ảnh: Thạch Thảo