Xuất hiện cách đây khoảng 1.200 năm, những lâu đài đất được gọi là thổ lầu ở vùng Mân Tây, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc mang kiến trúc rất độc đáo. Chúng được xây dựng từ đất nện, gỗ và đá, với nhiều hình khối tròn, vuông, ôval, vừa là nhà để sống vừa là những pháo đài kiên cố bảo vệ con người.
|
Khác với các kiểu nhà tròn đất nện rải rác ở các vùng khác tại Trung Quốc, các ngôi nhà tại Mân Tây được xây dựng theo lối quần thể nhiều ngôi nhà tập hợp trên một diện tích nhất định, nhiều nhất là tại các huyện Vĩnh Định, Nam Tinh, Hòa Bình, Chiêu An... Dù trải qua thăng trầm lịch sử, những ngôi nhà tròn nhiều tầng truyền thống ấy vẫn tồn tại nguyên vẹn.
Người phương Bắc Trung Quốc đã biết đến kỹ thuật làm nhà đất nện từ thời thị tộc. Đến thời Đường (618-907), kỹ thuật này lan truyền xuống miền Nam cùng với di dân từ vùng Hoàng Hà. Song những ngôi nhà tròn đất nện tại Mân Tây được cho là biểu tượng sinh động nhất của sự kết hợp kiến trúc phương Nam cổ và kỹ thuật xây dựng nhà đất nện phương Bắc.
|