Nhiều năm trước, trong một cuộc khề khà, nhà văn Trang Thế Hy đọc hai câu:
“Trái chín cây, tôi giận chim ăn trước
Mà quên mình nợ tiếng hót chim”
của Thanh Vũ, rồi tặc lưỡi: “Tứ thơ ngon lành quá mà chỉ vậy thôi sao?”
Tài hoa của Thanh Vũ là vậy. Cái đẹp trong thơ anh là cái đẹp của sự hụt hẫng và hụt hơi lại lắt léo mà đắm đuối nữa. Hình như không chỉ một lần tôi nói với nhóm bạn thơ rằng: có những lúc đọc thơ ai cũng thấy nhạt, bèn đọc thơ mình lại… ẹ quá. Thôi thì tôi tìm đọc thơ Thanh Vũ (loại thơ mà thường khi tôi ngại đọc. Vậy mà có khi rất khoái!)
Ba hay viết những lời nói nhắn
Qua lớp bụi phủ trên những tiện nghi
Má thì lại ghét cay ghét đắng
Những dòng tin quằn quện, nhằng nhì
Tự do và nô lệ
Ba có lối riêng giữa sa mạc tiện nghi
(Nói nhắn)
Thơ như vầy thì cần gì bình hay phê? Chỉ có cảm là trọn! Rồi nếu không lắt léo mà đắm đuối sao có được:
Biết nhờ ai giữ giùm ta
Cái mùi cơm khét lẻn qua chiều chiều
(Vắng)
Song, qua hoài niệm cái “mùi cơm khét” ấy có khi trở nên mượt mà như lời em hát:
Hình như trong cánh mù u trắng
Theo váng phù sa vướng dạ cầu
Có lời em hát năm mười sáu
Để giờ tóc trắng khó nguôi nhau
(Cầu quê nước ngập)
Trong thơ ca của ta từ trước đến nay và có lẽ sau này vẫn vậy luôn có những anh chàng cố làm ra vẻ “chân quê” mà chớ hề biết phát cỏ, cấy lúa… nhưng lại ghi vào lý lịch để in báo rằng: “Nông dân”. Tức cười thiệt!
Thanh Vũ nhà chàng dù có đi máy bay, ngủ khách sạn, chơi bon-sai... gì gì đi nữa thì cốt cách biểu hiện vẫn là người quê kiểng; song chàng luôn cảm thấy bất an có lẽ sợ mình là “nhà quê” mất chất chăng?
Khuya nghe cá quẫy trong bồn kiếng
Xáo dậy lòng vui mùa tát đìa
Phòng lạnh, khăn thơm… tiện nghi mới
Lẽ nào mình tự hóa thia thia?
(Kiểng)
Trong vạn vật muôn loài chỉ loài nhà thơ vẫn thường hay bị cho là yếm thế, trong lúc họ cần một chỗ trốn, một nơi nương náu tinh thần. Thanh Vũ bộc bạch:
- Này núi, này suối, biển, hồ, hang, động…
- Nhưng đâu ? chỗ cho người chạy trốn
(Bon sai)
Lắm khi nhà thơ nhớ về một bến sông quê, một vùng ngoại ô nào đó cũng chỉ nhằm di dời hồn phách trước họa vong thân?
Chim vịt ơi làm sao giúp ta
Tha nỗi nhớ thả sau hè nhà má
Ta sẽ mọc bụi hành, tép sả
Để chén cơm nghèo nhà má vẫn xanh thơm
(Tiếng khuya)
Trong thiên nhiên, cây ớt hiểm - do chim gieo hột - thường oằn sai bông trái nhưng Thanh Vũ lại cậy chim vịt điều éo le:
Tiếng chim vịt như nhịp tim tỉnh thức
Cảm ơn chim giúp ta thanh lọc
Những ô nhiễm thị thành át bóng má quê
(Tiếng khuya)
Thanh Vũ với bài: “Nhạn ơi!” đầy xúc cảm, đồng thời anh biểu đạt được tính vị tha, phóng vật của người vùng sông nước Nam bộ:
Chú đi cùng những người Mỹ cựu binh
Về nơi cháu chào đời chưa đầy tiếng khóc
Chất độc màu da cam đã trộn cháu vào lá mục
Thả một điệu hò bát ngát sóng Cửu Long
(Nhạn ơi!)
Tôi chợt ao ước phải chi những người Mỹ (mà bàn tay, mũi lê U.S của họ thấm máu bà con ở Thạnh Phong) năm nào được đọc bài “Nhạn ơi” thì hay biết chừng nào…
Trong tập “Ngủ hương mưa đồng” có loạt bài: “Thân thể nước non” (trích nhật ký xuyên Việt) của Thanh Vũ. Anh đã đến được đền Hùng, ghé chơi động Tam Cốc - Ninh Bình và nhiều nơi khác nữa. Đến mỗi chỗ Thanh Vũ đều có thơ; nhưng hình như không phải anh là trường hợp cá biệt mà có ít nhiều nhà thơ khác nữa cũng (cưỡi ngựa - xem hoa) như thế…! Vậy mà chỉ khi về đến “chốn quê hương là đẹp hơn cả”, Thanh Vũ mới nhặt được “Chót lá cỏ” trước mộ cụ Đồ. Theo tôi, có lẽ bài “Chót lá cỏ” là khơi gợi và tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Vũ.
* * *
Tôi còn dịp đi trong mưa,
sấm…
Chót cỏ khô
Nhọn, ấm
Thơ mình
(Chót lá cỏ)
Tôi khép tập thơ lại. Chợt nhớ Thanh Vũ còn có vài bài thơ rất đạt sao lại chẳng đưa vào tập? Tôi còn nhớ bài: “Gánh Đồng Ra Chợ” của anh có ẩn tứ thơ rất tuyệt: Má đi chợ mang theo xâu ếch, Trời trưa. Má cầu mong chùm “sao và sọc” trên mình ếch đừng khô nhạt trong mắt những người từng có thời lượm lúa mót với mình.
Biết đâu Thanh Vũ có ý chừa lại để sau này bạn bè, con cháu còn có dịp làm di cảo cho mình? Biết đâu chừng lúc ấy tôi vẫn còn tỉnh táo để chợt lắng… hình như có trái dừa điếc rụng sau vườn…
Dĩ nhiên ai dại dột gì đi nhặt xác và xơ của một âm vang?