Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu về nội dung tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh họa
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội để xây dựng báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024; thực hiện thời gian tổng hợp số liệu từ ngày 1-10 của năm trước đến hết ngày 30-9 của năm báo cáo để trình Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, còn thiếu của 18/63 địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các đánh giá, nhận định về kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đồng thời nhận thấy, trong năm qua, những kết quả tích cực đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 trình Quốc hội.
Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác tình hình, số liệu về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước (nhất là của 18 địa phương còn thiếu).
Đánh giá, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024; xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng/giảm số lượt, số người, số vụ việc và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, làm rõ những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những vụ việc tồn đọng từ những năm trước; đánh giá đầy đủ thực trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; bổ sung đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chính phủ cũng được đề nghị làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá cần thực hiện ngay, những giải pháp cơ bản, lâu dài; việc tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở, kết nối giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể để thống kê, theo dõi, xử lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng báo cáo cần được bổ sung thông tin về các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt, chưa tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy, nêu gương đối với những điển hình và yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với những cơ quan, cá nhân có liên quan.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 10-10-2024.
Theo Anh Phương (Báo SGGP)