Các tướng lĩnh cấp cao muốn thành lập Hội CCB VN, mục đích nhằm thực hiện quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng và chế độ XHCN trước tình hình thế giới biến động. Nhưng khi kính trình ý nguyện xin lập Hội thì Ban Bí thư và Bộ Quốc phòng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến là nên tổ chức CLB Cựu quân nhân. Có ý kiến tổ chức Hội CCB, nhưng chủ yếu là ở cơ sở, không tổ chức thành hệ thống từ trên xuống dưới.
Do quá bức xúc nên các tướng lĩnh cấp cao kiên trì đề đạt Trung ương Đảng xin thành lập Hội CCB, nhưng kinh phí hoạt động thì Hội tự lo lấy.
Cuối cùng thì Bộ Chính trị cũng đồng ý ra quyết định cho phép thành lập Hội có hệ thống tổ chức từ TW đến cơ sở. Khi bắt tay hình thành tổ chức thì lại gặp khó khăn. Chọn ai để chỉ định BCH lâm thời. Thời điểm đó có chiến tranh biên giới ở hai đầu Tổ quốc, kinh tế-xã hội còn trong chế độ bao cấp, nhiều nơi nhân dân thiếu đói, ngay như ở Bến Tre nhiều xã thiếu ăn, nhiều người ăn độn hoặc tha phương cầu thực.
Trong 3 năm lâm thời là 3 năm các thành viên được chỉ định vào BCH phải lặn lội đi vận động tổ chức từng hội viên, từng cơ sở Hội. Có cơ sở Hội rồi thì CCB chẳng biết hoạt động ra sao. Nhiều tổ chức Đảng, chính quyền nhận thấy có tổ chức Hội CCB là thêm gánh nặng, vì tổ chức này chưa hoạt động hiệu quả. Ngay như bản thân tôi khi ấy còn đương nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy giao tôi làm tham mưu để hình thành BCH lâm thời Tỉnh Hội CCB. Nhưng khi hình thành được rồi thì không biết BCH lâm thời sẽ làm được những gì, nên mặc dù tôi chấp hành chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, nhưng nhận thức của tôi lúc ấy về CCB thì quả thực chưa thuyết phục cao.
Năm 1992, tôi chính thức nghỉ hưu trở về đời thường chưa được một tuần lễ thì đích thân Bí thư Tỉnh ủy (Nguyễn Xuân Kỷ) trực tiếp đến động viên tôi vào CCB để phụ lo xây dựng Hội. Cả đời tôi phục vụ liên tục trong quân đội, được nghỉ hưu tôi muốn dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi. Quả thật tôi không muốn trở lại làm việc, nhưng Bí thư Tỉnh ủy đã có lời mời chân thành thì tôi xem đó là ý Đảng, nên tôi chấp nhận tham gia hoạt động Hội CCB. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Cang (Chủ tịch lâm thời Tỉnh Hội CCB) “bán cái” liền tay, bàn giao nhiệm vụ cho tôi và tự xin rút khỏi vị trí chủ tịch.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và CCB Nguyễn Sơn đối thoại với CCB Mỹ John J.Donovan (cố vấn hải quân) và John Darrell Sherwood
(Tiến sĩ Sử học).
Ngày 20-7-1992, Tỉnh ủy quyết định cho Đại hội CCB lần thứ nhất, bầu được 13 thành viên vào BCH và tôi được tín nhiệm làm chủ tịch. Đại hội còn bầu 5 đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc. Ngay trong Đại hội toàn quốc, BCH lâm thời có nhiều ý kiến khác nhau, đấu tranh nhau cũng quyết liệt. Cuối cùng rồi cũng bầu được hơn 70 đồng chí vào BCH TW Hội CCB.
Đã có BCH TW rồi mà cũng chưa chọn được đồng chí nào làm chủ tịch. Bộ Chính trị tham gia giới thiệu nhân sự. Sau đó đâu cũng vào đấy, Đại hội bầu Thượng tướng Trần Văn Quang làm Chủ tịch Hội CCB TW theo sự giới thiệu của Bộ Chính trị.
Trong 5 năm nhiệm kỳ I cũng lắm khó khăn vất vả. Cấp nào cũng vậy, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động và phương tiện đi lại còn quá eo hẹp. Khó khăn lớn nhất là nhận thức của nhiều người trong hệ thống chính trị chưa ủng hộ tổ chức Hội, từng hội viên, từng BCH Hội, nhất là ở cơ sở còn nhiều việc bất cập, mà bất cập lớn nhất là tư tưởng công thần, khinh suất. Nhiều đồng chí nói vui “5 năm nhiệm kỳ I là 5 năm CCB suy dinh dưỡng”
Trong khóa I, 10 lần họp BCH, TW Hội CCB, ra nghị quyết lãnh đạo Hội CCB phải làm việc gì để được lòng tin của Đảng và nhân dân, nhất là ở cơ sở. CCB không từ chối việc gì dù nhỏ nhất cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh NQ của Đảng ủy và chi bộ, phải xóa mặc cảm công thần, khinh suất thì mới lấy lại được lòng tin theo tinh thần chỉ đạo của BCH TW Hội CCB.
Đến nhiệm kỳ III, có NQ 09 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới”. NQ của Bộ Chính trị đã đem đến cho các thế hệ CCB một sinh khí mới, một niềm tin mới. Từ NQ lịch sử ấy, Bộ Chính trị và các cấp ủy địa phương xem Hội CCB là một tổ chức tin cậy của Đảng, chỗ dựa vững chắc của chính quyền nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Chặng đường 20 năm của Hội CCB đã trải qua 4 kỳ đại hội. Mỗi NQ của từng đại hội đều có chủ đề riêng, phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới từng giai đoạn. Đại hội từng cấp đều biết chọn khâu yếu, điểm yếu để đột phá làm chuyển động phong trào và qua đó xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện.
Có thể nói thành tựu của đại hội lần sau cao hơn lần trước và liên tục phát triển. Điều hiển nhiên là thành tựu về sự lớn mạnh vững chắc của tổ chức Hội và phong trào của CCB đạt được nhờ có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp hội, sự hỗ trợ của các ngành và sự nhiệt tình của từng hội viên.
Khi chúng ta vui mừng có được những thành tựu trong chặng đường 20 năm qua, thì càng nhớ đến công sức to lớn của những người “khai sơn phá thạch” ở giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn. Điển hình cho lớp cán bộ Hội giai đoạn đó có các anh Tư Nguyễn, anh Chín Việt Thành, anh Tư Dân Thắng… đã vượt qua “rào cản” của sự mặc cảm, chiến thắng tư tưởng “công thần địa vị” của bản thân và sự “ưu ái dưới mức khiêm tốn” của chính quyền. Mặc cho tuổi cao sức yếu, bệnh tật và sự hành hạ của vết thương cũ tái phát, các anh cùng với chiếc xe đạp “cà-tàng” đã có mặt trên từng cây số từ đầu huyện đến cuối huyện, đến nhà từng CCB để vận động, rồi chăm lo xây dựng từng chi hội, từng tổ chức hội ở cơ sở. Nghe chỗ nào có mô hình làm ăn hiệu quả hoặc có mô hình chi hội hoạt động tốt, thì các anh có mặt để học tập rút kinh nghiệm, phổ biến cho tổ chức hội ở địa phương mình. Công sức ban đầu ấy là khởi nguồn của những thành tựu hôm nay.
Đội ngũ CCB đã trải qua cuộc chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong chiến tranh, chúng ta đối đầu quyết tử với kẻ thù, nhưng khi chiến tranh kết thúc thì “đối thoại sau cuộc chiến” là việc bình thường, phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng trong xu thế mới. Do đó công tác “đối ngoại nhân dân” được phép của chính quyền là việc làm cần thiết. Chúng ta ở tư thế là người chiến thắng thì lẽ nào ngán ngại “rào cản” rồi không dám “đối thoại” với những người thuộc “đối phương” đã từng chiến bại!?... Đối với CCB Mỹ, họ muốn tìm hiểu tại sao một nước nhỏ, lạc hậu mà đã đánh thắng một siêu cường hàng đầu thế giới. Ta vững vàng về chính trị trong “đối thoại” sẽ không sợ họ diễn biến hòa bình đối với CCB.
Vấn đề là chúng ta cần đứng vững trên lập trường quan điểm của Đảng, sự chính nghĩa của chiến tranh nhân dân và có đủ tầng tri thức trải nghiệm trong chiến tranh để sẵn sàng “đối thoại sau cuộc chiến”. Từ tư thế của người chiến thắng, khi thực hiện “đối thoại” phải thể hiện văn hóa của người Việt, có thái độ ứng xử chuẩn mực và biết khoan dung độ lượng. Qua “đối thoại”, chúng ta khẳng định giá trị của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân và tố giác tội ác chiến tranh xâm lược… “Đối thoại sau cuộc chiến” đạt được những điều nêu trên thì tất nhiên có lợi cho cách mạng, có lợi cho dân tộc. Nếu Hội CCB ngán ngại “rào cản”, không đủ tầng tri thức trải nghiệm cuộc chiến… để rồi né tránh “đối thoại” thì cũng có nghĩa tự tước bỏ “dũng khí” của những người chiến thắng.
Trong tương lai, mọi người mong Hội CCB các cấp trong tỉnh liên tục phát triển, thắng lợi toàn diện trong thực hiện NQ Đại hội lần thứ IV, trong đó có cả thắng lợi về công tác “đối ngoại nhân dân” đúng theo đường lối của Đảng.
Sáng 13-10-2009, Hội Cựu chiến binh tỉnh long trọng tổ chức tổng kết 20 năm xây dựng và hoạt động. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be cùng hơn 200 hội viên CCB các ngành, các cấp đã về dự. Đánh giá hoạt động của Hội trong 20 năm qua, đồng chí Trần Quốc Việt-Chủ tịch Hội CCB tỉnh đã ôn lại truyền thống hoạt động của Hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, Hội CCB Việt Nam đã xây dựng hệ thống rộng khắp cả nước, hoạt động đạt kết quả cao và có ý nghĩa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be đánh giá hoạt động của Hội đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, trong đó tập trung cải thiện đời sống hội viên ngày càng tốt hơn. Đồng chí chỉ đạo, trong thời gian tới, các cấp Hội cần quan tâm cải tiến nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục; tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tập trung củng cố và xây dựng tổ chức các cấp Hội đạt trong sạch vững mạnh. Với truyền thống vẻ vang của Hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao chất lượng tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, vận động CCB tích cực tham gia thực hiện các phong trào hành động tại địa phương.
|