Đôi điều suy gẫm

04/08/2010 - 08:57
Người lao động và thân nhân tại buổi họp mặt những người lao động làm việc tại Malaysia hoàn thành hợp đồng về nước.

(Tiếp theo số 2628)

Số lao động của tỉnh ta đi làm việc ngoài nước trong thời gian qua tuy chưa nhiều, nhưng đã tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội.

Đi lao động ở thị trường Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, người lao động nhận thu nhập khá hấp dẫn. Tuy nhiên, các điều kiện về học vấn, chi phí, phỏng vấn… hơi khó.

Kinh nghiệm cho thấy, thị trường Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ dành cho những người có trình độ văn hóa cao, có năng lực về tài chính, có tay nghề… nên người nghèo khó có thể tiếp cận.

Thị trường Malaysia tiếp nhận lao động không hạn chế số lượng, trình độ văn hóa  của người lao động chỉ đến lớp 6, nếu họ có tay nghề cơ khí thì thuận lợi hơn, chi phí khoảng 19 triệu đồng. Từ nhiều năm qua, lao động tham gia thị trường Malaysia  được tỉnh hỗ trợ mỗi trường hợp khi xuất cảnh từ 1,2 triệu 1,5 triệu đồng để học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe và làm hộ chiếu. Thời gian từ khi học đến khi lên máy bay chỉ khoảng 4 tháng.

Hiện nay, điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Malaysia tương đối tốt; việc làm ổn định, mức lương tối thiểu tăng từ 18 lên 21 RM/ngày, nâng mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4,8 triệu đồng/tháng trở lên. Từ năm 2010, người lao động nhập cư không còn phải đóng thuế cho Chính phủ Malaysia (khoảng 100 RM/tháng tương đương 600.000đồng Việt Nam). Chính vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá thị trường Malaysia là thị trường tiềm năng và là thị trường để xóa đói giảm nghèo.

Để khuyến khích người nghèo đủ điều kiện về văn hóa tham gia xuất khẩu lao động sau khi đi Malaysia về nước, Sở LĐ-TBXH đã chủ trương ưu tiên giới thiệu sang Nhật Bản làm việc với chương trình hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM-JAPAN). Đây là chương trình không thu phí xuất khẩu lao động và không thế chấp. Sở cũng đã giải quyết ưu tiên đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

Tính đến nay, Trung tâm (TT) Giới thiệu việc làm đã đưa trên 2.000 lao động sang Malaysia làm việc. Trong đó có 82 lao động về nước trước thời hạn, gồm: 45 tham gia đình công trái pháp luật Malaysia, 16 sức khỏe kém, 5 vi phạm kỷ luật, 1 bị đột tử trong lúc ngủ, 15 phải về nước trước hạn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhà máy phá sản và chủ nhà máy đã bồi thường 20 triệu đồng mỗi trường hợp.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều dư luận không tốt về công tác xuất khẩu lao động sang Malaysia, xuyên tạc bản chất sự việc, gây hoang mang trong xã hội. Xin nêu thực chất  của một số trường hợp mắc nợ ngân hàng sau khi đi xuất khẩu lao động trở về. Đó là trường hợp của Nguyễn T.L, sinh 1984, cư ngụ tại Giồng Trôm, xuất cảnh 24-5-2004, với nghề thợ ủi trong xí nghiệp may. Thu nhập bình quân của L là 4 triệu đồng/tháng (năm 2004). Hàng tháng, L gởi tiền về cho gia đình trả nợ ngân hàng và phụ giúp gia đình nhưng gia đình L đã sử dụng số tiền này để sửa chữa lại nhà, điều trị bệnh cho cha L, nên sau khi hoàn thành hợp đồng về nước L vẫn còn nợ ngân hàng. Hay trường hợp của N, sinh năm 1983, cư ngụ tại Mỏ Cày Nam làm nghề lắp ráp điện tử. N có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, hàng tháng em gởi tiền về gia đình trả nợ ngân hàng,  nhưng gia đình sử dụng để làm vốn buôn bán, nên sau khi về nước, N vẫn còn nợ ngân hàng ….

Trước những tin đồn chưa chính xác như vậy, TT đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 5 chuyến công tác tại Malaysia để thăm lao động Bến Tre và giải quyết tranh chấp. Trong từng chuyến công tác đều có đại diện các huyện thị tham gia để tận mắt chứng kiến nơi ăn ở, làm việc của lao động Bến Tre. Qua đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể trong công tác xuất khẩu lao động. Điều đáng mừng là hiện nay, ngoài số lao động hoàn thành hợp đồng trở về nước, toàn tỉnh  có 87 lao động tiếp tục ký gia hạn hợp đồng với chủ  từ 1- 2 năm.  Số lao động này đã gởi tiền về gia đình với mức bình quân  4 triệu đồng/tháng. Và cũng có khoảng 37 trường hợp sau khi hoàn thành hợp đồng về nước, lại tiếp tục đăng ký trở lại Malaysia làm việc.     

TT giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu lao động. Vì vậy,  TT luôn hết sức thận trọng trong quá trình tuyển dụng, quản lý lao động. TT thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội các huyện, các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho người lao động. Tuy nhiên, số người dân tiếp cận được thông tin vẫn còn rất hạn chế, do sự phối hợp của các ngành, các cấp chưa thật chặt chẽ và đồng bộ. Nhiều người lao động vẫn chưa mạnh dạn thụ hưởng những chính sách mà Nhà nước dành cho họ. Trong phương hướng tới, bên cạnh công tác xúc tiến giới thiệu việc làm, TT sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động và giải thích đến tận người dân, nhằm cải chính những thông tin chưa chính xác mà dư luận đã đặt ra. Có như vậy, xuất khẩu lao động mới thật sự là một trong những cách thoát nghèo của những hộ nghèo đang khó khăn về đời sống.

 

Bài, ảnh: Huyền Anh Thơ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN