Từ lễ hội Nguyễn Đình Chiểu

Đôi điều suy nghĩ về văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

30/06/2022 - 18:29

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tiếp nhận chứng nhận xác lập kỷ lục thế giới: “Tỉnh Bến Tre, nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ dừa nhiều nhất thế giới”, ngày 27-6-2022. Ảnh: Thanh Đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tiếp nhận chứng nhận xác lập kỷ lục thế giới: “Tỉnh Bến Tre, nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ dừa nhiều nhất thế giới”, ngày 27-6-2022. Ảnh: Thanh Đồng

Kế thừa những giá trị nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu

UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đón nhận Nghị quyết của UNESCO nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, tổ chức chuỗi hoạt động gồm: Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; trưng bày thực tế, thực tế ảo về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu; lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022) và nhiều hoạt động hưởng ứng, trong đó có các sự kiện lớn: đăng cai Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ 18; tổ chức Giải Bến Tre Marathon 2022 kết hợp hoạt động du lịch…

Qua các hoạt động trên nhằm tiếp tục kế thừa những giá trị nhân văn của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trước hết là tư tưởng yêu nước, tinh thần hiếu học, trọng hiếu với cha mẹ trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và tập trung, xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ với 10 giá trị cốt lõi gồm: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, bản lĩnh, tự cường, tự trọng, trách nhiệm, hợp tác, sáng tạo. Người Bến Tre luôn tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tăng cường sáng tác các tác phẩm quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre; cổ vũ, động viên nhân dân bằng những tác phẩm trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng những thế, Bến Tre luôn chào đón và đồng hành với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài tỉnh đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và đầu tư tại tỉnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế phát triển để quê hương Đồng Khởi anh hùng, quê hương của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sánh vai cùng các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Nhân dân Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung có truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, san sẻ… Đó là những tinh hoa văn hóa được kết tinh, vun bồi và trao truyền qua các thế hệ. Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững của xã hội. Văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người. Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa, năm 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương Văn hóa Việt Nam, với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, với phương châm “Tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. Cũng chính đường lối văn hóa này đã góp phần khích lệ tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân ta lúc bấy giờ, 9 năm kháng chiến kết thúc bằng thắng lợi Điện Biên Phủ (7-5-1954).

Từ trước đến nay, văn hóa Việt Nam luôn đảm bảo được 3 nguyên tắc là dân tộc, khoa học và đại chúng. Tính dân tộc được thể hiện rõ nhất ở việc phản ánh khát vọng của dân tộc Việt Nam, đó là khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nền văn hóa của chúng ta chú trọng hình thành tư duy khoa học, giúp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bài trừ hủ tục lạc hậu, đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, trì trệ. Tính đại chúng của văn hóa Việt Nam thể hiện ở mục đích phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nền tảng tinh thần cho xã hội.

Phát huy các giá trị truyền thống văn hóa

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 và thực hiện quá trình đổi mới, để phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn mới, năm 1998, Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tiếp đó, năm 2014 là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Từ thực tiễn đó cho thấy, chủ trương “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến (thứ 3, từ trái sang) tham quan trưng bày các món ăn chế biến từ dừa, ngày 27-6-2022. Ảnh: H. Thi

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến (thứ 3, từ trái sang) tham quan trưng bày các món ăn chế biến từ dừa, ngày 27-6-2022. Ảnh: H. Thi

Ngày 24-11-2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII diễn ra tại Nhà Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng và nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì Bến Tre có “trữ lượng” văn hóa dân gian phong phú. Bên cạnh đó, Bến Tre còn có bề dày truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất, là nơi sản sinh những anh hùng hào kiệt, nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung làm rạng danh quê hương ba dải cù lao. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Bến Tre đã kế tục xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương. Đây là cái nôi của phong trào Đồng khởi, nơi sinh ra lực lượng đặc biệt trong chiến tranh - “Đội quân tóc dài”.

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa, cũng như thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, đã tập trung xây dựng đời sống văn hóa để làm cơ sở và động lực tinh thần cho sự phát triển từng địa phương. Tập trung xây dựng, trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích để phục vụ giáo dục truyền thống, khai thác phát triển du lịch. Toàn tỉnh có 58 di tích cấp tỉnh, 16 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp tục triển khai quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trong giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước 287 tỷ đồng. Trong đó, đang thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị 2 di tích quốc gia đặc biệt: Di tích Đồng Khởi Bến Tre, Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Bên cạnh những kết quả tích cực, một số nơi phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp; công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, nhưng lại thường xuyên thay đổi do chuyển vị trí công tác. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tập trung sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật đảm bảo chất lượng để góp phần nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của nhân dân. Việc giao lưu, hợp tác, quảng bá, ngoại giao văn hóa với các nước chưa thường xuyên… Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và sự hội nhập quốc tế, mạng xã hội, bên cạnh mang lại những giá trị tích cực thì cũng để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc trong đời sống văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Để khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực phát triển kinh tế, thì phải giải quyết bài toán phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, mà giải pháp đầu tiên bắt đầu từ con người. Con người Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, chỉ có như thế thì thật khó để trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển nếu không có sự đồng hành của giáo dục. Ngoài trao truyền kiến thức, giáo dục còn giúp bồi đắp lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng. Trong thời gian tới, cần tập trung quyết liệt triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ, trong đó chú trọng 10 giá trị cốt lõi gồm: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, bản lĩnh, tự cường, tự trọng, trách nhiệm, hợp tác, sáng tạo. Tập trung giáo dục và rèn luyện con người Bến Tre phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Coi trọng giáo dục nhân cách từ trong gia đình đến trường học, chăm lo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Bồi dưỡng trí tuệ thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao trí lực, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp. Nâng cao thể chất, phát động các phong trào tập luyện thể thao, phát huy các thiết chế thể thao ở cơ sở, nhằm nâng cao thể chất, thể trạng, tạo lối sống lành mạnh. Tăng cường giáo dục nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực cảm thụ, trình độ thẩm mỹ, nhất là thế hệ trẻ. Các văn nghệ sĩ cần sáng tạo thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người.

Giải Bến Tre Marathon 2022 thu hút nhiều vận động viên các lứa tuổi, ngày 26-6-2022. Ảnh: Thanh Đồng

Giải Bến Tre Marathon 2022 thu hút nhiều vận động viên các lứa tuổi, ngày 26-6-2022. Ảnh: Thanh Đồng

Bến Tre là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Bến Tre được biết đến là một trong những vùng đất đã sản sinh, hội tụ những danh nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, được thể hiện qua những di tích văn hóa, lịch sử. Do đó, cần đầu tư đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo để các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản văn hóa có chất lượng khoa học, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29-1-2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, trong đó khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh gắn với một số giải pháp cụ thể như: xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; khai thác du lịch tại di tích văn hóa, lịch sử.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, làng nghề, homestay; phát triển thêm nhóm sản phẩm mới, du lịch thể thao, ẩm thực; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch xứ Dừa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.

Quan tâm tổ chức tốt các sự kiện để tạo điểm nhấn gắn với các công trình văn hóa, lịch sử để thực hiện tốt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Đổi mới nhận thức và có những chính sách cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa. Trước hết là làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của văn hóa. Đó là, vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa phải ngang tầm với kinh tế và phát triển kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa thì càng góp phần phát triển kinh tế. Bởi vì, kinh tế giúp nâng cao đời sống vật chất thì văn hóa có vai trò nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Khi tinh thần thoải mái thì nguồn lực con người sẽ phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao năng suất, phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương. Có như vậy, văn hóa mới thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Vào tháng 11-2021, tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 ở Paris, Pháp đã thông qua danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Trong đó, hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được thông qua tại kỳ họp này.

Trần Ngọc Tam
Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN