|
Đội lân nữ Lương Hòa. Ảnh: LTN |
Trong những ngày Tết Canh Dần, nhiều du khách đến tham quan khu du lịch Cồn Phụng (Châu Thành) đã không ngưng ghi hình, chụp ảnh những cụ bà tuổi ngoài thất thập cổ lai hi, ngực đeo Huân chương Kháng chiến say sưa vũ điệu múa lân trong tiếng trống, chập chả thùng thùng, tùng xèng rộn rã và tiếng vỗ tay tán thưởng liên hồi.
Đội lân kháng chiến
Những cụ bà được du khách cổ vũ, hoan nghênh ấy là thành viên đội lân nữ Lương Hòa (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) đã có gần 55 năm múa lân phục vụ kháng chiến và trong các lễ hội thời bình.
Cụ Nguyễn Văn Chất (thường gọi là ông Hai Cà), 83 tuổi-chủ nhiệm đội lân cho biết: Đội lân hình thành từ năm 1954, khi giặc cấm người dân tụ tập quá 5 người. Chi bộ Đảng xã Lương Hòa chủ trương thành lập đội lân để có thể tụ tập đông người hợp lệ. Những năm Đồng Khởi 1960, mỗi lần cán bộ cách mạng về xã hoạt động là đội lân đưa rước bằng tổ chức múa lân, có hàng chục, hàng trăm người đi theo cổ vũ và cán bộ cách mạng nhập theo dòng người vượt qua đồn bót giặc. Ngoài tổ chức múa lân che mắt giặc, các thành viên của đội lân lúc bấy giờ là những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi còn múa lân, làm văn công ca hát phục vụ văn nghệ trong các lễ mừng chiến thắng, các cuộc mít-tinh ở vùng giải phóng. Tiếng hát của các cô gái trong đội lân lúc bấy giờ đã cổ vũ nâng cao tinh thần chiến đấu, quyết thắng giặc của các chiến sĩ cách mạng.
Trong kháng chiến, thành viên nữ của đội lân không chỉ múa lân, ca hát mà còn tham gia đội quân tóc dài của cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) đi đấu tranh chống giặc hành quân càn quét, đốt phá nhà cửa, bắn giết dân lành. Trong đấu tranh, các dì luôn can đảm trước sự đàn áp của giặc. Có dì kể: Năm 1963, trong lúc biểu tình đấu tranh với giặc, dì Huỳnh Thị Khiêm bị giặc đánh đến bất tỉnh, các dì trong đội là Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Giỏi, Phạm Thị Rết, Nguyễn Thị Vui…đã võng khiêng dì Khiêm lên dinh quận đòi bồi thường. Trước sự đấu tranh quyết liệt của đội quân tóc dài, quận trưởng quận Giồng Trôm lúc bấy giờ phải xuống nước xin lỗi và dỗ ngọt bằng việc hứa làm theo các yêu sách của đội quân tóc dài.
Tham gia đội quân tóc dài, các dì không chỉ đấu tranh chính trị với giặc mà còn tham gia chiến đấu: hoạt động nội thành, giao liên, dân công tải đạn, tải thương, đào chiến hào, đắp mô, gài mìn cản giặc… Trong kháng chiến, các dì luôn nhận lấy sự khổ cực, hy sinh như dì Nguyễn Thị Giỏi bị giặc bắt tra tấn dã man, tù đày 53 tháng ở thị xã Bến Tre rồi Cần Thơ, dì vẫn giữ khí tiết không một lời khai báo. Sự hy sinh của các dì đã được Nhà nước ghi ân tặng thưởng: dì Trần Thị Sánh, dì Nguyễn Thị Giỏi được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, dì Võ Thị Kiển: Huân chương Kháng chiến hạng ba và nhiều thành viên khác của đội lân được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý do có công tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hầu hết các thành viên trong đội đều là gia đình chính sách: dì Nguyễn Thị Nuôi là mẹ Việt Nam anh hùng, dì Phạm Thị Giỏi là vợ liệt sĩ, dì Huỳnh Thị Khiêm là thương binh 3/4. Cụ Nguyễn Văn Chất là cha liệt sĩ…Các con, cháu của các cụ ngày nay vẫn tiếp bước truyền thống của cha mẹ, ông, bà tham gia công tác tốt ở các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tuổi già không nghỉ
Đất nước thống nhất, ông Nguyễn Văn Chất tiếp tục làm đầu tàu cho phong trào văn nghệ của xã Lương Hòa, rồi ông được chọn làm “ông bầu” cho đội lân. Đội lân nữ Lương Hòa chính thức được UBND xã Lương Hòa ký quyết định thành lập vào năm 1981 gồm 18 thành viên nữ, ông Nguyễn Văn Chất là chủ nhiệm. Từ ấy có cụm từ vui: “Một ông quản lý 18 bà” cho đến ngày nay.
Năm nay, đội lân không còn đủ 18 thành viên nữ mà chỉ còn 16 cụ bà (một cụ bà cao tuổi đã qua đời, và một cụ tuổi cao sức yếu nghỉ hưu), một cụ ông đánh chập chả và một huấn luyện viên nam. Các cụ bà mặc dù tuổi đều trên 70, nhưng vẫn một lòng chung thủy với đội lân, vì đây là đội lân được cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) dìu dắt trong kháng chiến. Chính cô Ba thiết kế trang phục cho đội lân: bộ bà ba đen, quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, dây đai đỏ vàng (tượng trưng cho da vàng, máu đỏ của người Việt Nam) là hình ảnh của phụ nữ quê hương Đồng Khởi, dù máu đổ thịt rơi vẫn giữ gìn khí tiết. Dì Kiển, dì Khiêm cho biết: Lúc cô Ba Định về dự lễ kết nghĩa xã Lương Hòa với làng Moncada của Cuba có tặng cho đội đầu lân mới và căn dặn các chị em trong đội phải đoàn kết, khi nào đi hết nổi mới nghỉ. Ngày nay, cô Ba Định không còn, nhưng đội lân không thể rã và đội đang đào tạo cho 3 chị có tuổi từ 43-53 để thay thế dần những cụ bà cao tuổi.
Mỗi khi các xã rước bằng văn hóa, tỉnh, huyện tổ chức lễ hội mời đội lân nữ Lương Hòa đến giúp vui, các cụ đều nhận lời mà không đòi hỏi phải trả thù lao bao nhiêu; đôi khi ban tổ chức lễ hội chỉ có kinh phí chi tiền xe, cơm nước, các cụ vẫn phục vụ tận tình. Múa lân giúp vui mà! - mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nuôi, 83 tuổi - thành viên của đội, cười hiền và nói như vậy. Những khi có tiền khách thưởng, ngoài bồi dưỡng cho các thành viên, đội còn dành 30% để giúp các thành viên trong lúc đau yếu, trăm tuổi già và giúp đỡ bà con nghèo Lương Hòa.
Duy trì đội lân gần 55 năm với những thành viên lúc đầu ở tuổi mười tám, đôi mươi, nay các thành viên đã trở thành cụ bà, cụ ông, cụ cố với tuổi đời từ 71-83, đội lân nữ Lương Hòa trở thành đội lân có một không hai trên quê hương Đồng Khởi anh hùng. Đội lân nữ Lương Hòa đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp giấy xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2006.