Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

18/01/2022 - 18:15

BDK - Để có chủ trương, chính sách, quyết định đúng, giải pháp thực hiện tối ưu, kịp thời phát hiện sai sót, phát huy những mặt tích cực và hạn chế tiêu cực thì Đảng càng phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS). Vì KT, GS là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện; biện pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng (TCĐ), đảng viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hải Châu phát biểu kết luận Kỳ họp thứ 5, nhiệm kỳ 2020 - 2025, khóa XI. Ảnh: Quốc Hùng

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hải Châu phát biểu kết luận Kỳ họp thứ 5, nhiệm kỳ 2020 - 2025, khóa XI. Ảnh: Quốc Hùng

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS, Nghị quyết (NQ) Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều nội dung mới về công tác KT, GS. Đại hội xác định: “Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức thực hiện công tác KT, GS và kỷ luật đảng (KLĐ); công tác hướng dẫn, chỉ đạo của ủy ban kiểm tra (UBKT) cấp trên đối với cấp ủy, TCĐ, UBKT cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ KT, GS, KLĐ”.

Mỗi cấp ủy, TCĐ cần nhận thức rõ việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS, KLĐ cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy. Trước hết, người đứng đầu cấp ủy cần có quyết tâm chính trị cao, dám đổi mới mạnh mẽ tư duy, khắc phục những nhận thức không đúng, những định kiến sai lầm đối với công tác KT, GS, KLĐ. Công tác KT, GS phải góp phần khuyến khích và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công tác KT, GS phải trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy; người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp tổ chức, chỉ đạo việc KT, GS, không khoán trắng cho UBKT và các cơ quan tham mưu, giúp việc. Xây dựng chương trình, kế hoạch, KT, GS thật cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm từng vụ việc.

Về quy định, quy chế, Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS. Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác KT, GS, KLĐ bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của TCĐ và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm KLĐ”.

Định hướng này nhằm khắc phục các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng có nội dung chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh, khi áp dụng còn lúng túng, vướng mắc, khó thực hiện; việc thi hành Điều lệ đảng về công tác KT, GS, KLĐ của một số cấp ủy, UBKT các cấp chưa nghiêm, hiệu quả còn hạn chế.

Cùng với việc xây dựng các quy định mới là rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình về KT, GS, kỷ luật nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS, KLĐ. Kịp thời ban hành những quy định còn thiếu hoặc trong thực hiện còn vướng mắc, chồng chéo và chưa thống nhất giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về phương thức, phương pháp, Đại hội XIII xác định: “Triển khai, quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác KT, GS, KLĐ phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Tập trung KT, GS TCĐ, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm để xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các TCĐ, đảng viên vi phạm...”.

Định hướng này nhằm thực hiện tốt phương châm “GS phải mở rộng, KT phải có trọng tâm, trọng điểm”. Khi tiến hành cần “kết hợp KT, GS thường xuyên với KT, GS theo chuyên đề, KT đột xuất và KT khi có dấu hiệu vi phạm; coi trọng tự KT, GS của các cấp ủy, TCĐ. Tăng cường công tác KT, GS của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, các chủ trương, NQ, chỉ thị, quy định của Đảng”.

Chú trọng KT, GS việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện NQ, chỉ thị, các quy định, kết luận của Đảng; việc lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ xa, từ sớm

Đại hội XIII cũng đã nâng cao tầm quan trọng của công tác GS: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động GS của cấp ủy, UBKT các cấp, coi trọng GS theo chuyên đề. Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, TCĐ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Tập trung GS người đứng đầu tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; GS những nội dung mà các TCĐ và cán bộ, đảng viên thực hiện chưa nền nếp. Qua GS, chủ động sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ, đảng viên làm việc không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.

Chú trọng GS theo chuyên đề, quán triệt phương châm “GS phải mở rộng”, phát huy dân chủ, tăng cường GS cả về đối tượng, số lượng và phạm vi nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả GS của cấp ủy, UBKT các cấp.

Đại hội XIII xác định: “Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác KT, GS của Đảng với GS, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa GS, KT của Đảng với GS, thanh tra của Nhà nước và GS của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả GS, KT, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả”.

Đại hội XIII lần đầu tiên đặt ra vấn đề dự báo: “Nâng cao khả năng dự báo về những hành vi vi phạm của TCĐ, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm”.

Định hướng này nhằm nâng cao nhận thức rõ ràng, những hành vi vi phạm của TCĐ, đảng viên trong thời gian tới được dự báo sẽ còn xảy ra tinh vi, phức tạp hơn. Chính vì vậy, hoạt động dự báo trong công tác KT, GS rất cần được chú trọng. Bất cứ vi phạm kỷ luật nào cũng phải được xử lý nghiêm để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải quán triệt sâu những nội dung đổi mới này để đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát với tinh thần kiên trì, quyết tâm cao, nỗ lực lớn góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”; xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nguyễn Hải Châu

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN