Đổi mới nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh

12/12/2016 - 08:01

Trang thiết bị giảng dạy hiện đại cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.

Việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông luôn được quan tâm và chú trọng. Xuất phát từ thực tế này, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo 3 tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Nai tổ chức hội thảo trao đổi về giải pháp đổi mới dạy học môn tiếng Anh.

Đổi mới từ phương pháp

Có thể nói, cùng với cả nước, việc dạy và học tiếng Anh ở Bến Tre trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Đến nay, tất cả trường THCS, THPT trong tỉnh đều dạy môn tiếng Anh. Thầy Phan Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) nhận định: Thực tế cho thấy việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường theo phương pháp cũ đã không còn phù hợp, đòi hỏi người dạy phải chuyển đổi theo hướng lấy người học làm trung tâm. Với quan điểm này, giáo viên (GV) phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh (HS), tạo điều kiện để HS rèn luyện, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ vào mục đích giao tiếp chứ không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức thuần túy. Để làm được điều này, GV cần lựa chọn phương pháp soạn, giảng phù hợp, đổi mới cách ra đề kiểm tra, biết cách hướng dẫn HS tự học hiệu quả.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, thầy Trương Chí Nhân - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THPT Phan Thanh Giản chia sẻ: Để việc dạy thực, học thực có hiệu quả, người dạy cần tổ chức một số hoạt động cụ thể trong và ngoài giờ học. GV nên cụ thể hóa nội dung từng tiết dạy dựa vào trình độ mỗi lớp, mỗi HS để tiết học thật sự có hiệu quả; hướng dẫn HS cách tra từ điển để có thể tự học, cố gắng giúp các em có thói quen tự đưa ra vấn đề và tự giải quyết. GV có thể kiểm tra bài của HS ở bất cứ thời gian nào phù hợp; thay đổi dạng bài kiểm tra để cả lớp có thể tham gia. Ngoài ra, GV nên yêu cầu HS chuẩn bị bài trước ở nhà. Điều này sẽ giúp cho GV rút ngắn được thời gian giảng bài, dành nhiều thời gian cho HS thực hành. Tăng cường cho HS hoạt động đôi, nhóm hoặc tham gia các hoạt động ngoài giờ để các em có điều kiện giao lưu tiếng Anh với nhau.

Đến kiểm tra, đánh giá

Cùng với việc đổi mới phương pháp, đổi mới sinh hoạt chuyên môn thì việc đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng là vấn đề được nhiều GV tham gia hội thảo trao đổi. Cô Đỗ Thị Diễm Trang - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Tây Ninh) chia sẻ: Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS cũng là giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn này. Theo đó, GV cần chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của HS. Qua các hình thức đánh giá trên lớp, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình hướng tới phát triển năng lực của HS, GV sẽ biết được các em hiểu bài chưa, các em học như thế nào, biết cách vận dụng kiến thức hay không…

Theo cô Trang, việc kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh phải tuân thủ mục tiêu dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Các bài kiểm tra luôn tập trung vào 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. GV phải nghiêm túc trong thực hiện xây dựng ma trận đề có phân loại mức độ năng lực theo trình độ HS. Một lưu ý không thể thiếu trong đổi mới kiểm tra, đánh giá là khi chấm bài, GV nên kèm theo lời nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của từng HS. GV hướng dẫn các em đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá năng lực của mình. Khi phát bài kiểm tra, GV phải kết hợp với sửa bài, đánh giá rút kinh nghiệm trước lớp.

Cùng quan điểm với cô Diễm Trang, cô Phạm Thị Hạnh - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Trần Hưng Đạo (Tây Ninh) cho rằng: Trong kiểm tra đánh giá, GV cần sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như thi viết, thi vấn đáp, trắc nghiệm, trình bày dự án… Trong đó chú trọng chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá quá trình, chú trọng đến kỹ năng cơ bản cũng như năng lực cá nhân. Có như thế mới phát triển được toàn diện HS về đức, trí, thể, mỹ và tình cảm. Đề kiểm tra không chú trọng kiến thức lý thuyết hàn lâm mà cần hướng đến việc vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 689 GV dạy môn tiếng Anh. Trong đó, có 390 GV đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo khung tham chiếu châu Âu và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Tuy nhiên, để HS Việt Nam có đủ trình độ về tiếng Anh trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, vấn đề đặt ra phải kiện toàn đội ngũ GV và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN