Đối phó với dịch bệnh do vi-rút Ebola

29/08/2014 - 07:42

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh do vi-rút Ebola, Bộ Y tế có quyết định về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi-rút Ebola, trong đó, đưa ra 3 tình huống.

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, phải giám sát chặt tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Tại cửa khẩu, sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ. Tại cộng đồng, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát.

Tình huống 2: Xác định ca bệnh thâm nhập vào Việt Nam, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng ra cộng đồng. Cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp thuộc diện giám sát. Đồng thời, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 21 ngày, kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới trong cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh, cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ca bệnh nghi ngờ theo định nghĩa ca bệnh.

Ở các ổ dịch đã được xác định, giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên.

Trong 3 tình huống trên, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc vi-rút Ebola đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh do vi-rút Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong lên tới 90%, xuất hiện đầu tiên tại Sudan vào năm 1976. Dịch bệnh phát triển mạnh trong thời gian qua do loại vi-rút Ebola có đặc tính lây nhanh; nơi xảy ra dịch có dân số đông, di biến động; văn hóa, phong tục, tập quán là chăm sóc người thân bị bệnh tại nhà, người dân không thích sử dụng các dịch vụ y tế hiện đại; thiếu trang thiết bị và nhân viên y tế; chưa có vắc-xin phòng chống.

Tại Việt Nam, dịch bệnh Ebola có thể lây lan thông qua: người đi công tác, học tập trở về từ vùng có dịch; người từ các quốc gia khác từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; nhân viên y tế, người thân, chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm vi-rút Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi-rút Ebola..

TRUNG TÂM TT.GDSK TỈNH BẾN TRE

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích