|
Mô hình tôm - lúa ở xã An Điền. |
Ông Trần Huy Phượng - Chủ tịch UBND xã An Điền (Thạnh Phú) cho biết, mô hình tôm - lúa đang tiếp tục khẳng định chỗ đứng, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.
Xã có 2.250ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó có 359,83ha nuôi tôm thâm canh, số còn lại nuôi quảng canh. Nuôi tôm thâm canh cần vốn đầu tư lớn. Vụ nuôi thuận lợi, năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/ha nhưng giá tôm thương phẩm phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Những vụ nuôi gặp phải thời tiết bất lợi, môi trường xử lý không đảm bảo, tôm bị thiệt hại. Hình thức nuôi tôm thâm canh tập trung vào các doanh nghiệp và tập thể góp vốn để đầu tư đúng mức cho các vụ nuôi. Người ít vốn chọn nuôi tôm quảng canh vì chỉ tốn tiền mua con giống. Mỗi tháng theo con nước xổ ao nuôi 2 lần, sản phẩm thu hoạch gồm có tôm, tép, cá, cua thiên nhiên.
Kết thúc vụ nuôi tôm quảng canh, độ mặn của nước giảm dần. Các hộ dân cải tạo nuôi tôm càng xanh kết hợp gieo sạ lúa. Nuôi tôm kết hợp trồng lúa phải đảm bảo sự hài hòa, không phun xịt thuốc trừ sâu cho cây lúa, đe dọa sự sống của con tôm. Theo ông Trần Huy Phượng, nuôi tôm kết hợp trồng lúa là mô hình sạch. Gần đây, Dự án IFAD đầu tư cho 31 hộ dân, với diện tích 31ha trồng lúa theo quy trình VietGAP. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vừa giảm chi phí đầu tư vừa tăng năng suất. Vụ lúa thu hoạch đầu tiên năng suất đạt trên 5 tấn/ha, đặc biệt có hộ 6 tấn/ha. Vụ lúa Thu - Đông, diện tích tham gia mô hình nâng lên 40ha. Riêng 1.311ha còn lại, xã đã phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm kết hợp gieo sạ lúa cho hộ dân. Trước khi vào vụ, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của xã đã gắn kết với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, tổ nhân giống giới thiệu hộ dân những giống lúa ngắn ngày, chịu mặn thích nghi với điều kiện thực tế của địa phương. Hộ dân chỉ việc đăng ký số lượng, lúa giống được đem về bàn giao tại xã. Hiện năng suất lúa thu hoạch đạt 4,5 tấn/ha. Cho nên, chỉ trừ phần diện tích nuôi tôm thâm canh và tôm rừng, phần diện tích còn lại đều được hộ dân kết hợp nuôi tôm - lúa. Xã còn diện tích đất trồng mía 28ha nhưng nhờ diện tích đất tập trung, nên thuận lợi vận chuyển đường thủy. Hộ trồng mía được Công ty Cổ phần mía đường Bến Tre đầu tư giống mía mới, năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên và bao tiêu sản phẩm.
Người dân đã quan tâm đến việc học hành của con em. Năm học 2012-2013, tỷ lệ trẻ từ 4 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 49,8%. Trường học phối hợp với Trạm Y tế xã khám sức khỏe, kết quả tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 2%. Xã có 3 điểm trường tiểu học, đã huy động 100% trẻ vào lớp 1. Trường trung học cơ sở có 345 em. Năm học 2011-2012, học sinh giỏi đạt 26,3%, khá 43,3%, trung bình 29,9% và yếu 1%; 96,3% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá 3,7%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%. An Điền đang tiếp tục triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Hiện xã đạt 70% các tiêu chí của xã văn hóa. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 18,13%, hộ cận nghèo 8,01%.
Ngoài cố gắng của cả hệ thống chính trị và ý chí vượt khó phấn đấu vươn lên của nhân dân, An Điền còn nhận được sự quan tâm của tỉnh, huyện và các tổ chức, cá nhân. Năm 2012, An Điền xây dựng và đưa vào sử dụng nhà văn hóa trung tâm xã, kinh phí 1,4 tỷ/đồng; đưa vào sử dụng cầu Rạch Diện (kinh phí 188,687 triệu đồng), cầu Hữu Nghị VK144 (80 triệu đồng), đường cầu Bảy Dân - cầu Bà Hương (386,793 triệu đồng), cầu ấp Giang Hà (157 triệu đồng). Nhân dân đóng góp 60 triệu đồng xây dựng công trình đường nông trường Huyện ủy.
Đón xuân năm 2013, lưới điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân ở khu vực Bãi Đầm và Dự án 146,89ha thuộc ấp Giang Hà được hạ thế. Điều mà nhiều hộ dân đã mong đợi từ lâu nay thành hiện thực. Tất cả đã góp phần quan trọng trong tạo diện mạo mới cho vùng đất An Điền.