Đôi vợ chồng khuyết tật, vượt khó

15/03/2010 - 08:11
Niềm vui của đôi vợ chồng khuyết tật. Ảnh: B.Tr

Tối ngày 14-2, tại một góc bờ hồ Trúc Giang (TP Bến Tre), tôi nhìn thấy một người đàn ông khuyết tật chân bước khập khiểng đi đến bên một phụ nữ khoảng 26 tuổi ngồi trên xe lăn đang bán vé số. Người đàn ông trao cho người phụ nữ bó hoa, chị cười rất tươi, niềm hạnh phúc ấy hiện rất rõ trên gương mặt chị. Hỏi thăm, tôi biết  đó là đôi vợ chồng khuyết tật trọ ở gần chợ Lạc Hồng, thuộc khu phố 6, phường Phú Khương (TP Bến Tre).

Anh tên Lê Thanh Tùng (1977), quê ấp 4, xã Lương Hòa (Giồng Trôm) là con thứ ba trong gia đình thuộc diện nghèo của xã. Nhà có 5 anh chị em mà chỉ có hơn 1 công đất để canh tác. Khi lên 3 tuổi, anh Tùng bị sốt bại liệt,  đôi chân yếu ớt và không bình thường. Thấy được sự lo lắng của mọi người, anh luôn phấn đấu, lao động làm vui lòng cha mẹ. Hàng ngày anh đặt lọp kiếm cá nuôi gia đình, thu gom ve chai, hay giữ bò, phụ việc nhà cho người khác. Năm 17 tuổi anh tự lập, sống một mình, chuyên làm thuê, làm mướn. 
Người phụ nữ kể trên là chị Lê Thị Kim Tuyền (1985), quê Phước Thạnh (Châu Thành), là nạn nhân chất độc màu da cam, đôi chân chị không đi được. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Ông ngoại của chị là liệt sĩ. Từ nhỏ chị sống với mẹ, thiếu tình thương của cha.
Hai người cùng cảnh ngộ này chẳng hẹn, họ đã gặp nhau năm 2006 tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Cảm thông với số phận, họ đã yêu nhau và tổ chức một đám cưới nhỏ vào cuối năm 2007. Kết quả của hạnh phúc, năm 2009 con gái anh chị - Lê Thị Kim Phương chào đời, rất kháu khỉnh. Trách nhiệm càng nặng nề đối với hai vợ chồng khuyết tật thu nhập hàng ngày của họ khoảng vài chục ngàn đồng.
Chị Kim Tuyền tâm sự: Sáng nào vợ chồng tôi cũng gửi con cho mẹ ở Phước Thạnh giữ, hai vợ chồng chia nhau bán vé số từ 6 giờ sáng đến 9 giờ, sau đó tôi đi chợ nấu ăn, chồng tôi đi gom ve chai, chiều tiếp tục bán vé số cho đến 9 giờ đêm. Tiền trọ 300 ngàn đồng một tháng, lại nuôi con nhỏ nên vợ chồng tôi phải sống tiết kiệm lắm. Thấy hoàn cảnh của gia đình, điều kiện đi lại khó khăn, đại lý vé số Ngọc Minh ở P.3, thành phố Bến Tre đem vé số đến tận nhà trọ giao cho vợ chồng tôi, bán được bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Tôi từng học nghề xe nhang, làm đũa, thêu nhưng không có vốn để mở một tiệm nhỏ. Vợ chồng tôi luôn quan niệm mình tàn nhưng không phế, phải tự bản thân mình vượt khó vươn lên. Lúc trước có 1 xe lăn, hai vợ chồng ngồi chung bán vé số. Hôm Tết, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh đã hỗ trợ gia đình tôi một chiếc xe lăn mới, tôi rất phấn khởi vì có thêm điều kiện để 2 vợ chồng có thêm thu nhập. Ước mơ lớn của tôi chỉ mong kiếm được số vốn kha khá ổn định cuộc sống và xây được một tổ ấm thực sự.
Cảm thông với cái khó của người cùng cảnh, anh chị Tùng còn tương trợ anh Châu Thanh Khiết xã Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre) bị khiếm thị, cũng bán vé số hàng ngày để mưu sinh bằng việc cho ở nhờ cùng căn nhà anh chị thuê. “Cái chân tình là giúp nhau lúc khó khăn, tôi sẽ cố gắng nuôi dạy con cho tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định” - anh Tùng trả lời  khi tôi hỏi về dự tính cho một tương lai…

 

Bích Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN