Đón Tết Đoan Ngọ

14/06/2021 - 06:32

Các món ăn phổ biến trong ngày Tết đoan Ngọ. Ảnh: Hữu Nghĩa

Các món ăn phổ biến trong ngày Tết đoan Ngọ. Ảnh: Hữu Nghĩa

Ngày Tết Đoan Ngọ (Mùng 5-5al) là nét văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống cộng đồng dân cư người Việt Nam, được bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Năm nay, ngày Tết Đoan Ngọ rơi vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động họp mặt gia đình, họ hàng, bạn bè đã phải hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, hầu hết các gia đình đều giữ nét văn hóa cúng bái tổ tiên, ông bà để thể hiện lòng thành kính, hướng về nguồn cội gia đình.

Theo Địa chí Bến Tre, Tết Đoan Ngọ là lúc thời tiết chuyển mùa. Việc cúng bái thời điểm này cũng mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi điều tốt đẹp. Vào ngày Tết, nhiều gia đình đã mua sắm hoa, quả để dâng lên tổ tiên. Đây là dịp không chỉ để cho con cháu, người thân trong gia đình tưởng nhớ ông bà, tổ tiên mà còn để con cháu xa gần đoàn tụ, gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Năm nay, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều con cháu, họ hàng xa không thể về hội tụ, nhưng việc thăm hỏi nhau gián tiếp (trò chuyện điện thoại, mạng xã hội) được nhiều người lựa chọn để quan tâm, hỏi han, trò chuyện, gắn kết cùng gia đình, họ hàng, bè bạn nhân dịp ngày Tết giữa năm.

 Nhiều gia đình đã tổ chức nấu những món ăn ngon để cùng gia đình (tại chỗ) có những phút giây quây quần bên nhau; kết nối thắt chặt thêm tình cảm của những thành viên trong gia đình. Cô Đinh Thúy Loan - giáo viên hưu trí, ở thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ: Năm nào vào ngày Mùng 5-5, cô đều mua hoa, quả dâng lên tổ tiên, ông bà. Cô cũng nấu nhiều món ăn ngon cho gia đình cùng sum vầy, thưởng thức, tạo không khí vui tươi, đầm ấm và gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vào ngày Tết Đoan Ngọ, ngoài phần dâng cúng tổ tiên, cửu huyền thất tổ, những người quá cố trong gia tộc, nhiều gia đình còn bày các mâm cơm ngoài sân để cầu nguyện cho hương linh các chiến sĩ trận vong, những người không may bị mất đi do các biến cố, tai nạn… Một số gia đình nhân dịp này đã sắm sửa một số đồ dùng, hoa kiểng, tạo sự mới mẻ cho ngôi nhà. 

Ngày nay, nhiều nghi lễ cúng đã được giản lược nhưng nét văn hóa thờ cúng ông bà, tổ tiên thì vẫn được gìn giữ, vẹn nguyên giá trị ý nghĩa. Nhiều món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ ngày xưa tuy có sự thay đổi nhưng nhiều nơi, nhiều gia đình hiện vẫn còn lưu giữ như: xôi chè, bánh ít, bánh tét cùng các món mặn… Không khí trong gia đình những ngày này cũng được chăm chút hơn. Nhiều gia đình đã không thể cùng nhau gặp gỡ sum vầy để phòng chống dịch Covid-19 nhưng hẳn tình cảm vẫn đong đầy trong lòng mỗi thành viên gia đình, vẫn hướng về nhau và quan tâm nhau vì sự gắn bó của mối quan hệ gia đình. Nhất là con cháu hướng về ông bà, cha mẹ, thể hiện tình cảm và lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ cũng nhớ thương, quan tâm con cháu của mình.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích