
Người dân chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Bến Tre. Ảnh: T. Đồng
Yêu thương và sẻ chia
Để mọi người có thêm nguồn lực cùng đón Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp, ngoài các phần quà của Chủ tịch nước, quà từ ngân sách tỉnh, từ ngân sách cấp huyện, cấp xã cho các đối tượng theo quy định, các địa phương, đơn vị cũng đã vận động xã hội hóa nhiều nguồn lực từ khắp nơi để có thêm nhiều phần quà, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, bệnh tật...
Lãnh đạo tỉnh có các chuyến thăm, tặng quà một số gia đình chính sách khó khăn và các đơn vị bảo trợ xã hội như: Hội Người mù, Làng Trẻ em SOS, Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ người tâm thần (tại TP. Bến Tre) và Cơ sở cai nghiện ma túy tại Ba Tri... Đây là các đơn vị có tính đặc thù, bảo trợ, nuôi dưỡng, giáo dục những người khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt của xã hội. Qua đó, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên, y bác sĩ tại các đơn vị, các cơ sở vượt qua những khó khăn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo trợ, nuôi dưỡng, giáo dục những người thuộc các đối tượng nêu trên cũng như cùng đón mùa xuân vui tươi, ấm ấp.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đoàn viên, hội viên, thanh niên các cấp đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực. Cụ thể, hoạt động “Ân tình xứ dừa” do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) tổ chức cho học sinh mang quà Tết đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn. Ý nghĩa của hoạt động mang lại chính là cho học sinh trực tiếp trải nghiệm, tiếp xúc với các hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, các em ý thức hơn về giá trị của sự sẻ chia trong cuộc sống.
“Xuân yêu thương - Tết sum vầy” do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh tổ chức, nhằm chia sẻ khó khăn cho công nhân lao động (CNLĐ) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhất là những CNLĐ tăng ca về quê trễ hoặc không về quê đón Tết. Ủy ban Hội LHTN tỉnh đã vận động tổ chức gói bánh tét tặng cho CNLĐ. Với sự ủng hộ của các mạnh thường quân, lực lượng hội viên và các tình nguyện viên đã gói được 100 đòn bánh tét nhân đậu, thịt mỡ. Ngày 28 tháng Chạp, các bạn đã đến các nhà trọ thuộc Khu công nghiệp Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành để trao tặng bánh tét đến các CNLĐ.
Bạn Trần Thị Bé Chuyền, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (Phường 8, TP. Bến Tre) chia sẻ: “Em cảm thấy mình thực hiện được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Đây cũng là dịp để em được trải nghiệm cách gói bánh tét, hiểu thêm về tết truyền thống. Khi đi tặng bánh cho CNLĐ, nhìn thấy sự bất ngờ, niềm vui trên gương mặt họ, nghe họ kể về hoàn cảnh của mình, em lại cảm thấy mình thật may mắn và tự hứa sẽ tích cực hơn trong các phong trào vì cộng đồng”. Cùng với đó, vào tối giao thừa, đoàn viên, hội viên cũng đã tìm đến các hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, phải mưu sinh trong đêm giao thừa như bán vé số, nhặt ve chai, CNLĐ vệ sinh... để tặng các phần lì xì Tết. Tổng kinh phí vận động cho hoạt động hơn 20 triệu đồng.
Phòng dịch Covid-19
“Uống nước nhớ nguồn” là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Do đó, vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cấp lãnh đạo đã luôn duy trì hoạt động viếng, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các huyện, cùng các đền thờ liệt sĩ trên toàn tỉnh. Lễ viếng mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, quý Mẹ Việt Nam anh hùng bản thân là liệt sĩ, các đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để hôm nay, đất nước có mùa xuân yên bình, hạnh phúc.

Gói bánh tét tặng thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Thanh Đồng
Với người dân, việc tảo mộ, thắp hương ông bà quá cố hay thăm hỏi họ hàng trong dịp Tết Nguyên đán cũng là một nét đẹp văn hóa lâu đời. Qua đó, thể hiện tấm lòng hiếu kính, nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà của các thế hệ con cháu. Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện theo khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh, nhiều người dân đã hạn chế các hoạt động gặp gỡ, thăm viếng và chỉ hỏi thăm qua thông tin di động.
Anh Lê Minh Tâm, ngụ ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thạnh (Ba Tri) từ TP. Hồ Chí Minh về thăm nhà. Anh đã thực hiện việc khai báo y tế theo khuyến cáo. Anh chia sẻ: “Tết năm nay rất khác biệt. Bản thân tôi về từ vùng có dịch nên không thể đi nhiều nơi, không đi gặp gỡ bạn bè như mọi năm. Bởi, những nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang hiện diện của dịch bệnh”. Thay vì đến nhà người thân chúc mừng năm mới thì anh Tâm đã gọi điện thoại và Zalo để chia sẻ khoảnh khắc vui xuân tại nhà với người thân và bạn bè.
Chị Lê Thị Cẩm Hương, ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh (Ba Tri) cho hay: “Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, kể cho con nghe nhiều chuyện xưa khi tôi còn trẻ. Đây cũng là cơ hội học hỏi rất tốt cho bọn trẻ. Bản thân tôi cũng có dịp chiêm nghiệm những chuyện đã qua cũng như lên kế hoạch cho năm mới”. Không riêng chị Cẩm Hương, anh Tâm mà nhiều người dân đã ý thức phòng dịch Covid-19, như: mang khẩu trang khi ra ngoài, thực hiện khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về, hạn chế các cuộc gặp gỡ…
Bên cạnh việc thăm hỏi, những nét đẹp văn hóa cũng được nhiều gia đình lưu giữ ngày Tết đến, xuân về, trong đó có hoạt động gói bánh tét. Gia đình chị Phan Thị Nhanh, ấp Bình Xuân, xã Châu Bình (Giồng Trôm) đã quây quần bên nhau gói bánh tét như hàng năm. Bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của gia đình chị Nhanh để cúng tổ tiên, ông bà cũng như tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết. Năm nay, bên cạnh việc giữ nếp truyền thống của gia đình, chị Nhanh còn cung cấp những đòn bánh tét thơm ngon cho người dân trong khu vực khi có nhu cầu.
“Ngày xưa, với thế hệ trẻ của tôi, bánh tét là món quà đầu năm, là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Đây cũng là nét truyền thống của bà ngoại và mẹ tôi khi còn sống nên duy trì và gìn giữ. Lúc gói bánh chính là lúc nhớ về nguồn cội của mình, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới đầy đủ, sung túc, thành công hơn”, chị Phan Thị Nhanh tâm sự.
Tết giữa mùa Covid-19 ít nhiều cũng đã có sự thay đổi trong đi đứng, giao tiếp, hạn chế nhiều hoạt động mừng xuân. Tuy nhiên, những nét đẹp văn hóa bao đời của Việt Nam như: hướng về cội nguồn, sẻ chia yêu thương ngày Tết… vẫn được gìn giữ qua bao đời và vẫn vẹn nguyên giá trị. Tết không pháo hoa, không có nhiều hoạt động rộn rã nhưng tình người vẫn lan tỏa, tình thân vẫn gắn kết dù ở nơi đâu và mùa xuân vẫn ấm áp, đầy ắp những niềm vui, cùng hướng về một năm mới nhiều điều tốt đẹp, quê hương phát triển, phồn vinh.
A. Nguyệt - Th. Đồng - P. Hân