Đóng góp Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

22/11/2012 - 17:25

Tham gia thảo luận (ngày 19-11-2012) về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đặng Thuần Phong - Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội có nhiều ý kiến.

Có chính sách đất đai đi quá chậm so với quá trình đổi mới kinh tế. Hậu quả pháp lý là môi trường pháp luật không ổn định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá phức tạp, chồng chéo. Việc thực thi pháp luật chưa thống nhất và đang bị lạm dụng, quyền và lợi ích của người sử dụng đất chưa đảm bảo công bằng, chưa tạo được sự an tâm thực sự trong xã hội. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa gắn kết. Quản trị đất đai và hồ sơ địa chính còn thiếu, nhiều khiếm khuyết, nguy cơ tham nhũng và nhũng nhiễu trong đất đai còn lớn. Từ đó, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, gây bất ổn xã hội. Vì vậy, khi sửa đổi luật cần quan tâm:

Thứ nhất, về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với đất đai. Chương II quy định 2 mục, gồm: quyền của Nhà nước đối với đất đai và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đất đai nhằm cố gắng phân biệt quyền chủ sở hữu đất đai là chức năng quản lý Nhà nước về đất đai. Song, ở đây có một điều quy định về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu là một điều quy định về cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu, còn 8 điều khác thì lại thể hiện cốt lõi việc định đoạt của Nhà nước về đất đai. Vấn đề này cho thấy phạm vi quyền định đoạt của Nhà nước là quá lớn, các quyết định hành chính được thi hành sẽ rất nhiều, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, khó ngăn chặn đầu cơ sử dụng đất đai, tham nhũng trong quản lý và lạm dụng trong quy hoạch định giá giao đất và thu hồi đất. Trong khi đó, Dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế giám sát việc thực thi các quyền này của Nhà nước.

Thứ hai, về cơ chế thu hồi đất. Mục 1, Chương V, cơ chế thu hồi đất và hệ lụy của nó là nguyên nhân để phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai. Lợi ích Nhà nước, lợi ích người sử dụng đất, lợi ích nhà đầu tư chưa hài hòa cũng từ cơ chế này. Hướng sửa đổi là nhằm tạo cơ chế giao quyền chủ động cho Nhà nước để tạo quỹ đất sạch, sau đó cho thuê, tổ chức đấu giá quyền sử dụng là phù hợp. Tuy nhiên, cần cân nhắc về mục đích sử dụng đất, thu hồi đất khác nhau, do đó cơ chế thu hồi đất phải khác nhau.

Thứ ba, về vấn đề giao đất, cho thuê đất. Mục 2, Chương V, Dự án luật sửa đổi theo hướng thu hẹp các đối tượng giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất, xóa bao cấp trong sử dụng đất, từng bước bãi bỏ giao đất không thu tiền sử dụng đối với các tổ chức sự nghiệp. Đây là chủ trương tiến bộ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Song đối với tổ chức sự nghiệp nên có lộ trình và có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất hoặc theo đặc thù để quản lý sử dụng đất phù hợp, tiết kiệm. Đối với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng, Khoản 3, Điều 66 đã bổ sung đối tượng nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà ở để bán hoặc đầu tư xây dựng nhà ở hỗn hợp để bán và cho thuê là cần thiết. Tuy nhiên, trong quản lý cần phân loại để thu đúng, thu đủ. Ví dụ các dự án khu sinh thái, sân golf cần phân loại đất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn để tránh gộp cả gói gây thất thu cho Nhà nước. Bổ sung các quy định về chế tài xử lý những trường hợp đất đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không đúng mục đích, lãng phí đất công, đầu cơ đất để chuyển nhượng dự án...

Thứ tư, về giá đất. Đề nghị quy định rõ thẩm quyền của cơ quan tham mưu giá đất, cơ quan thẩm định giá đất, cơ quan định giá đất cho phép tổ chức lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất trên cơ sở tự nguyện đồng thuận giữa các bên để đảm bảo quyền lợi của người dân.

KIM HOA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN