Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” do Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Cannada (DFATD) hỗ trợ với sự thực hiện của Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) – thành viên VUSTA. Theo đó, dự án hướng tới thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách thông qua sự tham gia hợp tác hiệu quả của các tổ chức xã hội, báo chí truyền thông và các cơ quan Nhà nước.
|
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu (Ảnh: HNV) |
6 điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật
Tại Hội thảo, các đại biểu được thông tin về kết quả phân tích tham vấn của nhóm chuyên gia kinh tế, tài chính, chính sách ở Trung ương và địa phương. Kết quả phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật của nhóm tác giả PGS.TS Lê Xuân Trường và PGS.TS Vũ Sỹ Cường, so với Pháp lệnh phí và lệ phí, dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 6 điểm mới chủ yếu:
Thứ nhất, khái niệm phí đã phản ánh đúng bản chất của các khoản thu. Sự sửa đổi khái niệm phí này được đánh giá đã có những tác động tích cực: đối tượng thu phí của Nhà nước thu hẹp lại, Nhà nước mở rộng xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ cho xã hội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ công.
Thứ hai, quy định rõ và phân biệt hai chủ thể “người nộp phí, lệ phí” với “tổ chức thu phí, lệ phí”, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí và quản lý thu phí, từ đó, đảm bảo tính rõ ràng trong tổ chức thực hiện, tính minh bạch, công khai trong quản lý thu phí, lệ phí.
Thứ ba, về thẩm quyền xác định Danh mục phí và lệ phí mở rộng hơn, giao cho Quốc hội chứ không phải là của Thường vụ Quốc hội như Pháp lệnh nữa.
Thứ tư, thống nhất một nguyên tắc xác định mức thu phí chung đồng thời áp dụng nguyên tắc “đảm bảo bù đắp chi phí” thay cho nguyên tắc “đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý”, bổ sung thêm nguyên tắc xác định mức thu “hợp lý”. Quy định này có tác động tới mọi tổ chức, cá nhân được nhà nước cung cấp dịch vụ công. Theo đó, mức thu phí của Nhà nước để bù đắp chi phí không nhằm mục đích lợi nhuận. Hơn nữa, việc bù đắp chi phí này phải đảm bảo hợp lý để phù hợp với thu nhập dân cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người nộp phí, lệ phí.
Thứ năm, về thẩm quyền xác định mức thu phí, lệ phí: Quốc hội quyết định nguyên tắc xác định mức thu và không giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu như trước đây. Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết mức thu trên cơ sở nguyên tắc mà Luật quy định
Thứ sáu, quy định về Danh mục phí và lệ phí. Đây là điểm mới nổi bật nhất của dự thảo Luật lần này. Xét về số lượng, giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí. Và như vậy, sự thay đổi này hướng tới thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp của Nhà nước, hướng tới huy động nguồn lực của xã hội để đầy từ cung cấp dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ tạo sự sẵn có của những dịch vụ không nhất thiết Nhà nước phải là người cung cấp, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”.
“Về cơ bản, dự thảo Luật lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí…” – PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch
Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo nhằm đóng góp, bổ sung vào dự thảo Luật phí và lệ phí dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Khẳng định sự cần thiết trong sửa đổi chính sách phí, lệ phí, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, việc nâng cấp từ Pháp lệnh lên Luật xuất phát từ chính thực tiễn khách quan. Theo đó, chính quyền địa phương thì vướng ở một số quy định về việc chưa đủ thẩm quyền, các doanh nghiệp thì chịu nhiều khoản phí với tình trạng “phí chồng lên phí” cộng với năng lực quản lý xã hội ngày càng tốt hơn đòi hòi phải điều chỉnh cũng như xã hội hóa, giảm thiểu áp lực khiến Nhà nước phải “ôm đồm” quá nhiều mà không hiệu quả. “Việc nâng từ pháp lệnh lên Luật thể hiện tính pháp lý cao hơn, công khai, minh bạch hơn; đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của dân cư” – PGS.TS Trường nói.
Giải đáp thắc mắc liên quan tới mức thu phí và lệ phí, danh mục phí và lệ phí, PGS.TS Vũ Sỹ Cường lý giải nguyên nhân “đẻ ra nhiều khoản thu” đang tồn tại như hiện nay: kiểm tra chuồng trại, an toàn thức ăn… Theo ông Cường, Pháp lệnh hiện hành không tính tới sự phát sinh các khoản phí, lệ phí. Thách thức lớn nhất hiện nay của ban soạn thảo là liệt kê chi tiết các khoản thu, rà soát các khoản không hợp lý, hợp lệ để bỏ đi. Đa số các khoản phát sinh do chính quyền địa phương, một số đơn vị sự nghiệp công lập ban hành, liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người nộp phí và lệ phí. “Hy vọng nếu kiểm soát và thống kê được các khoản thu, tình trạng phát sinh nhiều khoản thu chồng chéo sẽ được kiểm soát tốt hơn” – ông Trường cho hay.
Để khắc phục các hiện tượng “lạm thu”, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, hoàn thiện các chính sách pháp luật về phí, lệ phí thì rất cần phải truyền thông để người dân thực sự hiểu quyền và trách nhiệm của mình trong nộp phí, lệ phí. “Có một thực tế là người dân ở khu vực phát triển, các thành phố, đặc biệt người làm khu vực nhà nước và doanh nghiệp hiểu rất rõ về khoản thu – nộp, trong khi đó, người dân ở khu vực kém phát triển, ở khu vực nông thôn thì còn hiểu ít, thậm chí không hiểu hết về các khoản thu” – Ông Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, việc quy định chặt chẽ các chứng từ thu – nộp và tăng trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát cũng là một giải pháp để khắc phục lạm thu, thu sai./.