Du lịch trải nghiệm nông thôn

29/03/2021 - 06:43

BDK - 7 giờ 30 sáng, chúng tôi xuất phát từ TP. Bến Tre về đến Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm bằng xe máy chỉ gần 30 phút. Sự tất bật, ồn ào của đô thị nhanh chóng để lại phía sau, thay vào đó là nắng, gió tháng 3-2021, là ngôi nhà nhỏ yên bình dưới vườn dừa.

Du khách trải nghiệm làm bánh ở homestay Maison du Pays de Bến Tre.

Du khách trải nghiệm làm bánh ở homestay Maison du Pays de Bến Tre.

Trải nghiệm cuộc sống nhà quê

Cùng với anh “hướng dẫn viên du lịch”, chúng tôi đi xe đạp len lỏi trên những con đường nhỏ rợp bóng dừa, men theo con kênh Vĩnh Phúc vừa tìm hiểu về nếp sống của người dân nơi đây. Ít ai nghĩ rằng, vùng quê này sẽ làm được du lịch. Thế nhưng, Giồng Trôm lại là địa phương sở hữu những giá trị văn hóa rất đặc trưng, phù hợp để khai thác du lịch. Bởi không gian tự nhiên miệt vườn và sự hồn hậu của người bản xứ được giữ lại chân thật. Trên cái nền là sự đơn sơ của bối cảnh vườn dừa nông thôn, homestay Maison du Pays de Bến Tre lại chỉnh chu trong từng chi tiết để đón khách một cách tốt nhất có thể.

“Homestay của mình không phải theo phong cách chỉ có giường tre, chiếu, manh bồ mà phải chỉn chu ngay ở nơi đơn giản nhất. Du khách có thể trải nghiệm không gian xung quanh theo cách mà họ muốn là khung cảnh miền quê. Nhưng khi ăn, ngủ, khách phải được hưởng thụ chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu bình thường của họ”, anh Quách Duy Thịnh - chủ homestay Maison du Pays de Bến Tre chia sẻ.

Thịnh làm du lịch ngay chính tại ngôi nhà mà mình đang sống cùng với bà nội. Hai bà cháu và những người bà con, xóm giềng cùng nhau “làm du lịch”. Thịnh vừa là chủ nhà vừa kiêm luôn vai trò hướng dẫn cho khách. Kết cấu ngôi nhà trệt của hai bà cháu được giữ lại nguyên vẹn, với góc sân và khoảng trời; giữ lại cả chái nhà sau với hàng mái nước là những không gian sinh hoạt chung tạo nên điểm nhấn khó quên cho du khách.

Cùng cảm xúc này, chúng tôi nhớ lại lần đến thăm homestay Cồn Bà Tư, ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại của gia đình chị Lê Kim Linh. Đây cũng là một trong các homestay thời gian qua đang từng bước để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi mang lại những hoạt động trải nghiệm rất riêng. Chị Lê Kim Linh đã khai thác những đặc trưng bản địa và những gì sẵn có tại chính ngôi nhà của mình để làm du lịch, cho du khách trải nghiệm các hoạt động chài lưới ngay tại vuông tôm, ao cá của gia đình.

Điểm chung của các mô hình này chính là đã phân khúc du khách ngay từ đầu, với những dòng khách đặc trưng, yêu thích và muốn được trải nghiệm đời sống nông thôn. Theo nhận định của các chuyên gia về du lịch, đối với thị trường khách du lịch TP. Hồ Chí Minh, các điểm du lịch miền quê ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là lựa chọn lý tưởng. Dịch Covid-19 sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn bị loại khỏi thị trường nhưng cũng đồng thời xuất hiện những mô hình mới, cách làm mới phù hợp hơn. Dù vốn đầu tư rất ít nhưng phù hợp với cách đi du lịch của nhóm khách lẻ, khách đi một mình, đặt mục tiêu “về quê đổi gió”, khoảng cách gần, trong thời gian ngắn để “làm mới” bản thân.

Bên cạnh đó, quan niệm về yếu tố “trải nghiệm miền quê” là phải dựng nên, tái hiện một hoạt động gì đó ở quê cho khách làm cũng đang dần thay đổi theo hướng khác hơn. Tức là thay vì tái hiện những hoạt động nông thôn thì xu hướng hiện nay là cho khách hoàn toàn tự nhiên để họ hòa nhập với cảnh quan, môi trường, lối sống ở một vùng đất mới. Người chủ nhà chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, giới thiệu, hỗ trợ để mang đến cho khách những kỷ niệm chân thật nhất. “Khách đến xem homestay như nhà của mình. Họ có thể tự lựa chọn đi theo tour đã thiết kế hoặc chủ động đi chợ, nấu cơm, rửa chén, đọc sách, nghe nhạc, xem tivi, hoặc nghỉ ngơi tại nhà. Các dịch vụ đều được bố trí tự nhiên với người khách giữ vị trí trung tâm”, anh Quách Duy Thịnh cho biết.

Làm du lịch thời công nghệ

Mở cửa đón khách từ những ngày đầu năm 2021, đến nay,  homestay Maison du Pays de Bến Tre của anh Quách Duy Thịnh bước đầu đã nhận được phản hồi rất tốt từ du khách. Kinh nghiệm làm nghề 7 năm cộng với sự tinh tế và “một chút mộng mơ” - theo lời Thịnh nói, chính là cách mà chàng trai sinh năm 1992 hiện thực hóa ước mơ của mình, dùng du lịch đưa hình ảnh quê hương đến với nhiều người.

Đó là quá trình mà chàng trai trẻ không ngừng học hỏi và tiếp thu xu hướng mới của du lịch. Thuận lợi của Thịnh là biết tận dụng mạng xã hội cũng như các website bán tour du lịch online để tiếp cận các đối tượng khách du lịch cũng như quảng bá và xây dựng hình ảnh cho điểm đến một cách gần gũi. Theo dõi các kênh quảng bá điểm du lịch của Thịnh có thể thấy, hình ảnh đẹp và nội dung đi kèm chi tiết chính là bước đầu tạo sự thu hút đối với du khách. Và những kinh nghiệm của chị Lê Kim Linh ở homestay Cồn Bà Tư khi tận dụng tốt mạng xã hội để giữ liên hệ với du khách. Đồng thời, kinh doanh nông sản, món ăn “nhà làm” trong giai đoạn ngành du lịch gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 cũng cho thấy những hiệu quả rõ rệt nếu người làm du lịch khai thác, tận dụng tốt công nghệ số.

Trong bối cảnh mới buộc phải thay đổi và thích nghi, ứng dụng cái mới để làm du lịch. Đúng là đưa các dịch vụ du lịch về miền quê để tăng thu nhập cho người nông dân là tốt nhưng nếu không áp dụng được công nghệ vào thì không tạo được cái mới, cũng sẽ không theo kịp xu hướng phát triển của xã hội. Trong bối cảnh hiện đại, khi người đô thị thường xuyên phải đối mặt với những căng thẳng, áp lực từ bộn bề công việc, du lịch nông thôn, trở về với miền quê đang dần chiếm được cảm tình của du khách, góp phần khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa bản địa, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch Bến Tre đến năm 2030 đã xác định một trong các quan điểm chính là phát triển du lịch Bến Tre bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số…

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN