Dự phòng bệnh tai biến mạch máu não ở người trẻ

12/08/2022 - 05:48

BDK - Bệnh tai biến mạch máu não (gọi tắt tai biến) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới. Việc điều trị cần hết sức khẩn trương, điều trị sớm sẽ giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng. Bệnh có thể được điều trị và phòng ngừa để hạn chế tái bệnh.

Nhiều bệnh nhân tai biến điều trị nội trú tại Khoa Ngoại thần kinh.

Nhiều bệnh nhân tai biến điều trị nội trú tại Khoa Ngoại thần kinh.

Xu hướng gia tăng

Gần một tháng trước, chị P. T. N (45 tuổi), ở huyện Giồng Trôm được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng liệt nửa người trái, đau đầu dữ dội.

Được biết, chị P.T.N khi đó đang chạy xe thì cảm giác xe bị đảo. Chị ngừng xe kiểm tra thì đột ngột ngã xuống đường do chân không còn khả năng vận động và bất tỉnh. Theo lời kể của gia đình, khi phát hiện tình trạng chị P.T.N, người nhà kiểm tra huyết áp 19mmHg, đớ lưỡi, miệng hơi méo.

Kết quả xét nghiệm, chụp CT scan não tại Khoa Cấp cứu cho thấy chị P.T.N xuất huyết tại đỉnh đầu phía bên phải. Sau khi hội chẩn chuyên khoa, bệnh xác định tai biến, xuất huyết não và chuyển Khoa Ngoại thần kinh để tiếp tục điều trị với phương pháp không xâm lấn, dùng thuốc ngăn tình trạng xuất huyết, truyền giảm đau và kiểm soát tình trạng động kinh, hôn mê. Ngày 25-7-2022, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục, kiểm soát máu bầm trong não. Tuy nhiên, di chứng của tai biến - liệt nửa người trái vẫn còn phải điều trị vật lý trị liệu và đông y trong thời gian dài.

Liên quan đến căn bệnh này, bác sĩ điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Hà Hữu Hiền thông tin: Tai biến là hậu quả của rất nhiều bệnh lý như tim mạch, tăng huyết áp… Có thể là do chế độ dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, bị stress... đều là những yếu tố nguy cơ gây tai biến. Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện liệt vận động hoặc rối loạn cảm giác ở một bên của cơ thể. Có thể liệt chi trên hoặc chi dưới hay chỉ là tê bì các chi. Hoặc thấy một bên miệng bị lệch xuống. Có những trường hợp nói khó hoặc khó khăn khi tìm từ phù hợp, hoặc không hiểu lời người khác nói.

Ghi nhận thực tế tại Khoa Ngoại thần kinh, nhiều bệnh nhân đi loạng choạng và mất phối hợp động tác hoặc đột ngột kêu la đau đầu dữ dội. Đặc biệt, kèm theo buồn nôn và chóng mặt. Theo các nghiên cứu của chuyên gia, tai biến là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Trong số đó, 2/3 số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, tập trung lứa tuổi trung bình trên 60. Hiện nay, số lượng và biểu hiện bệnh đang gia tăng ở giới trẻ.

 Tại tỉnh, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ các trường hợp tai biến nhưng hiện nay, người bệnh nhập viện do bị tai biến ngày càng gia tăng. Hầu hết, tuổi trung niên. Trong tháng 7-2022, Khoa Ngoại thần kinh trong tình trạng quá tải, với số lượng bệnh nhân nặng tăng cao hơn số thực kê (20 giường). Nhiều bệnh nhân phải nằm băng ca. Phần lớn, tình trạng bệnh là do tai biến, chấn thương não.

Dự phòng tai biến

Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Hữu Hữu cho hay: Tai biến hay đột quỵ não là bệnh do mạch máu bị xơ vữa tạo ra cục máu đông làm tắc mạch máu não. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ do vỡ mạch máu hoặc tắc mạch máu. Các dấu hiệu khởi phát có thể là méo miệng, yếu tay chân, không nói được, thậm chí hôn mê, co giật khi xuất huyết não nhanh chóng. Bệnh liên quan rất nhiều đến chế độ ăn uống và chế độ tập luyện. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ tai biến.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hữu, hiện nay, phần lớn, người bệnh chủ động, ý thức hơn trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân do chưa thật sự hiểu biết về bệnh tai biến dẫn đến nhầm tưởng với một cơn cảm gió thông thường. Khi có những biểu hiện của bệnh không đến bệnh viện ngay mà lại tự ý mua thuốc cảm uống hoặc chỉ cạo gió cho đến khi bệnh trở nên nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng để hồi phục là rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề. Thực tế, tại Khoa Ngoại thần kinh, có trường hợp bệnh nhân tai biến nhẹ nhưng số lần tái phát từ 3 - 4 lần. Mỗi lần tái bệnh, mức độ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn, liệt toàn thân, sống thực vật và thậm chí tử vong.

Khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tai biến, bác sĩ Nguyễn Hữu Hữu cho biết: “Người trẻ phải dự phòng tai biến, tuyệt đối không chủ quan và biết sợ bệnh. Người đã bị bệnh thì nên có ý thức dự phòng tái bệnh. Dự phòng tai biến bằng các biện pháp chung là kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh van tim; thay đổi lối sống bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia; tăng cường vận động thể thao; tránh bị lạnh đột ngột và căng thẳng. Những người có nguy cơ cao như đau đầu dai dẳng, huyết áp dao động, tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ có thể làm thêm các thăm khám chuyên khoa thần kinh, tim mạch, chụp phim sọ não - mạch não nhằm phát hiện các dị dạng mạch máu não chưa có triệu chứng.

“Phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế là yếu tố then chốt làm giảm thiểu nguy cơ tử vong và tàn phế do tai biến. Điều cần thiết để phòng ngừa bệnh này là mọi người nên đo huyết áp hàng ngày. Khi có dấu hiệu nói đớ, yếu liệt, chậm vận động cần nhập viện càng sớm càng tốt. Tranh thủ giai đoạn vàng 3,5 tiếng đầu khi phát hiện các biểu hiện của bệnh để kịp thời cấp cứu can thiệp y khoa”.

(Bác sĩ Nguyễn Hữu Hữu)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN