|
Soạn giả Dương Thị Thu Vân (người cầm hoa) trong đêm giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm. |
Vốn là người phụ nữ có tính nhạy cảm nên cuộc sống đời thường dễ dàng đi vào tác phẩm của chị.
Trong đêm giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm ngày 14-3 vừa qua, soạn giả Dương Thị Thu Vân xuất hiện ấn tượng trong sắc phục sĩ quan công an mà trước đây suốt 30 năm chị vẫn thường mặc khi đến cơ quan làm việc, bên cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo công chúng mến mộ. Tay ôm những bó hoa tươi thắm, chị bùi ngùi xúc động: “Tôi thật hạnh phúc và vinh dự khi được các cấp lãnh đạo Thành phố Bến Tre, anh chị em đồng nghiệp quan tâm, ưu ái tổ chức đêm giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm. Đáp lại tấm chân tình đó, tôi không biết nói gì hơn là gửi đến tất cả những người yêu mến tôi những đứa con tinh thần mà tôi đã sáng tác trong suốt thời gian qua.
Những ai mến mộ tài năng của chị, yêu mến tác phẩm của chị Thu Vân có mặt trong đêm giao lưu hôm ấy đều cảm thấy thỏa lòng vì được biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của chị. Ngoài cái tên Dương Thị Thu Vân, chị còn có tên là Dương Thị Mến (tên thật - sinh năm 1950) - hay người ta thường gọi là chị Bảy Mến và nhiều bút danh, nghệ danh như: Ngọc Thương Thương, Thu thảo, Dương Thạch Thảo... Chị sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Khánh Trung (nay là xã Hưng Kháng Trung B, huyện Chợ Lách). Năm lên 10 tuổi, chị đã tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ tại xã nhà. Tháng 4-1964, chị thoát ly gia đình, công tác tại Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre. Đến tháng 1-1968, chị được điều động về Đoàn Văn công Đồng Tháp, Khu 8. Năm 1976, Đoàn Khu 8 giải thể, chị xin về Bến Tre và công tác trong ngành công an cho đến lúc về hưu. Ngay từ đầu, chị không xem sáng tác là nghề mưu sinh, mà sáng tác là để lòng mình dịu bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, trường lớp, bạn bè trong thời gian đi công tác xa. Chị kể: Tôi đến với nghệ thuật rất đỗi tình cờ. Có lần tôi đang lén sáng tác bài thơ Đêm mưa (năm 1966) thì bị nhà thơ Chim Trắng phát hiện, thế là sau đó trong đoàn văn công ai cũng biết tôi làm thơ được và tạo điều kiện cho tôi phát huy năng khiếu. Cái tên “Chòi thơ”, “Chùm thơ” được bắt đầu từ đó và đó cũng là bước ngoặt đưa tôi đến gần hơn với văn học nghệ thuật.
Vốn là người phụ nữ có tính nhạy cảm nên cuộc sống đời thường dễ dàng đi vào tác phẩm của chị. Không chỉ sáng tác thơ, chị còn sáng tác nhiều thể loại khác như vọng cổ - lĩnh vực chị khá thành công; kịch bản sân khấu... Tính đến nay, chị đã có trong tay một “kho tàng” đồ sộ, khoảng 320 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có khoảng 100 bài vọng cổ, 200 bài thơ, 20 kịch bản sân khấu và nhiều bài đăng báo trong và ngoài tỉnh. Có lẽ do ngòi bút được trui rèn trong lửa đạn, với thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao “đã không viết thì thôi, mà khi đã viết thì viết rất nhiệt tình, gửi gắm hết tình cảm, tâm huyết của mình” – như lời chị nói, nên hầu hết tác phẩm của chị đều có giá trị cao, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, như “Hát mãi ơn Người”, “Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ”, “Người mẹ bên bờ Hàm Luông”, “Người chị xứ dừa”, “Lỡ một chuyến về”, “Nhớ đồng đội”; bài thơ “Mẹ”, “Đêm mưa”... Thưởng thức các tác phẩm của chị, ai cũng thấy hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, quê hương, người mẹ, tình đồng đội, đồng chí... Chị thừa nhận, đó là đề tài không bao giờ cạn trong lòng chị. Bất kỳ đề tài nào, chị cũng đặt nhiều tâm sức vào nên có đôi lúc được hỏi chị yêu thích tác phẩm nào nhất, chị trả lời rất ngắn gọn: “Đứa con tinh thần nào tôi cũng quý, cũng yêu”.
Lắng đọng và ấm áp là cảm nhận của những ai có mặt tại đêm giao lưu hôm ấy. Bởi, hầu như ai cũng dành cho soạn giả Dương Thị Thu Vân tình cảm vô cùng đặc biệt và những lời nhận xét, cảm nhận chân thành về chị, tác phẩm của chị. Chủ tịch UBND Thành phố Bến Tre Cao Thành Hiếu chia sẻ: Soạn giả Dương Thị Thu Vân là một chiến sĩ công an, dù bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào chị cũng trải lòng mình cùng với tác phẩm giàu cảm xúc, dạt dào tình thương. Chị đã đi cùng thành phố Bến Tre trong suốt quá trình xây dựng và phát triển với bài ca cổ “Thành phố quê dừa tương lai”. Trong những ngày thành phố Bến Tre tưng bừng đón niềm vui mới, đạt tiêu chí thành phố loại 3, chị đã viết bài vọng cổ “Hương ngọt vườn trăng” bằng cả trái tim, tình yêu quê hương tha thiết. Những đóng góp to lớn ấy của chị được Đảng bộ và nhân dân thành phố Bến Tre ghi nhận và sẽ luôn trân trọng, giữ gìn. Mong rằng chị sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thành phố nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Với nhạc sĩ Lan Phong, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh, người đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp ngày xưa của chị cũng nhận xét: “Gia tài mà Thu Vân để lại cho đời tương đối đồ sộ, kể cả thơ, vọng cổ và tầm ảnh hưởng của nó không còn ở phạm vi trong tỉnh mà vươn ra khu vực, cả nước. Để có được như vậy, Thu Vân đã phải trải qua thời gian dài lao động miệt mài. Trong sáng tác, Thu Vân rất kỹ lưỡng, chắt chiu từng chữ, từng lời. Câu nào viết chưa hài lòng, chưa vừa ý thì chăm chút viết lại, viết đến khi nào thấy hài lòng mới thôi. Đây là điều mà tôi nghĩ đội ngũ sáng tác trẻ cần học theo. Đại tá Huy Phục, người đồng nghiệp của chị cũng cho rằng, đêm giao lưu không chỉ là vinh dự và hạnh phúc của chị Bảy Thu Vân mà cũng là vinh dự của ngành công an. Điểm đặc biệt ở chị Bảy Thu Vân chính là bản lĩnh chính trị, vì vậy, chị rất nhạy cảm với diễn biến tình hình chính trị của địa phương và đất nước - mà điều này rất cần cho người nghệ sĩ trong tìm kiếm đề tài sáng tác. Một đặc điểm nữa là, chị Bảy Thu Vân không đem ngôn ngữ chính trị vào nhạc mà biến đổi ngôn ngữ chính trị thành ngôn ngữ nghệ thuật, vì vậy nên tác phẩm của chị đến với chiến sĩ công an rất dễ dàng. “Trong công tác giáo dục tư tưởng trong ngành công an, muốn hiệu quả, tôi nghĩ, rất cần có những sáng tác theo phương thức này”, Đại tá Huy Phục nói. Là thế hệ đàn em trong hoạt động sáng tác vọng cổ, nhạc sĩ Minh Lời cũng bộc bạch đôi lời về chị. Anh cho biết, anh đã học hỏi nhiều điều hay ở chị. Đó là thái độ sáng tác nghiêm túc, nhạy cảm với mọi việc xung quanh, biết chăm chút câu ca, trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ. Và anh cũng mong rằng, qua chương trình giao lưu này, thế hệ sáng tác trẻ sẽ học được nhiều điều bổ ích từ soạn giả Thu Vân, để ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật hay phục vụ cho công chúng, đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
“Trong sáng tác, Thu Vân rất kỹ lưỡng, chắt chiu từng chữ, từng lời. Câu nào viết chưa hài lòng, chưa vừa ý thì chăm chút viết lại, viết đến khi nào thấy hài lòng mới thôi”.
Nhạc sĩ Lan Phong |