Đưa “tam nông” phát triển theo hướng hiện đại, bền vững

13/06/2018 - 07:21

Nông dân Chợ Lách sản xuất cây giống, hoa kiểng góp phần phát triển kinh tế vườn. Ảnh: Quốc Thi

Nông dân Chợ Lách sản xuất cây giống, hoa kiểng góp phần phát triển kinh tế vườn. Ảnh: Quốc Thi

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (“tam nông”), tỉnh đã thay đổi khá toàn diện trên lĩnh vực này. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng GRDP đến năm 2017 đạt 6,7%, trong đó nông nghiệp tăng trưởng 3,5%. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2018 sẽ đạt trên 35 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn không ngừng nâng cao.

Kết quả nổi bật

Ngay sau khi NQ được ban hành, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 25. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Theo đó, nổi bật là hoạt động xây dựng các quy hoạch đối với cây trồng, vật nuôi; triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Đến nay, hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn thể hiện khá rõ trên diện tích canh tác. Nếu mức thu nhập bình quân đối với đất trồng trọt đạt 50 triệu đồng/ha được xem là mục tiêu phấn đấu của năm 2013 thì đến năm 2017, thu nhập đã nâng lên trên 81 triệu đồng; đối với thủy sản từ 300 - 370 triệu đồng. Diện tích đất lúa, mía giảm đáng kể, chuyển sang cây màu, cây dừa và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, đất lúa hiện giảm hơn 8.200ha so với cách nay 5 năm và đất mía giảm hơn 3.600ha. Kỹ thuật chăm sóc được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao năng suất, đảm bảo các tiêu chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP đến chuẩn cao nhất hiện nay trên thế giới là hữu cơ.

NQ số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh được xem là một NQ đặc thù và sáng kiến của tỉnh trong tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả thực hiện NQ số 03 đã giúp việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương theo hướng tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh và được xác định chủ lực của tỉnh (gồm dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển). Từ việc xác định đúng hướng phát triển nông nghiệp, bước đầu, tỉnh đã hình thành được cơ bản các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý đối với hai sản phẩm bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh, phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 12 trung tâm xã đạt tiêu chí đô thị loại V, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuyến đường xã nông thôn mới Phú Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

Tuyến đường xã nông thôn mới Phú Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

Thạnh Phú là địa phương khá điển hình trong toàn tỉnh về kết quả thực hiện NQ quan trọng này. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn nhận định: “Qua 10 năm triển khai, hình thái sản xuất nông nghiệp trên địa bàn khá toàn diện, theo xu hướng sản xuất hàng hóa, tập trung. Toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đại Điền, Quới Điền và An Nhơn. Việc bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sinh thái từng vùng và tập trung rõ nét từng khu vực, như tiểu vùng 1 tập trung cây dừa, cây lúa; tiểu vùng 2: mô hình tôm - lúa bền vững; tiểu vùng 3 là tôm rừng, tôm biển kết hợp với du lịch sinh thái. Huyện cũng đã hình thành 3 chuỗi sản phẩm nông nghiệp là lúa, xoài và dừa…”.

Nâng cao mức sống người dân

Đời sống của người dân đã nâng lên hàng năm khá rõ rệt qua mức thu nhập và chi tiêu bình quân được thống kê. Thu nhập của người dân từ dưới 20 triệu đồng/người/năm đã từng bước nâng lên 29,3 triệu đồng vào năm 2016, trên 32 triệu đồng năm 2017 và ước đạt trên 35 triệu đồng năm 2018. Mức chi tiêu cho đời sống bình quân người/năm ở khu vực thành thị là 39,5 triệu đồng, khu vực nông thôn là 22,7 triệu đồng. Phấn khởi hơn nữa khi hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người của các huyện biển đã vượt lên mức ngang bằng và cao hơn so với bình quân của cả tỉnh.

Kết quả triển khai NQ cùng với nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cụ thể, nông dân đã dần thay đổi nhận thức, tập quán trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô thông qua việc liên kết chuỗi, hàng hóa lớn gắn với thị trường. Nông dân đã năng động, tích cực hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu và thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính.

Nổi bật là từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều nông dân tiêu biểu được tôn vinh từ cấp địa phương đến Trung ương. Từ phong trào này, những năm qua, toàn tỉnh đã xuất hiện hàng ngàn gương nông dân sản xuất giỏi, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Có thể kể đến các điển hình là những “ông vua” trong nông nghiệp đã góp phần vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như tôm, dừa, bưởi, chôm chôm, cây giống, hoa kiểng, nhãn… Thu nhập hàng năm của các ông vua này đạt từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Những tấm gương này đã và đang tiếp tục làm lan tỏa, khơi dậy ý chí, quyết tâm phát triển sản xuất, góp phần vào thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, cũng như đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Hội Nông dân (HND) tỉnh, thời gian qua, hội đã tập trung thực hiện hai nội dung quan trọng là Kết luận số 61 của Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc HND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. HND đang hoàn thiện các bước để thành lập trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân và nâng cao hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân trong điều kiện ngân sách, quỹ đất của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã lên đến 20,7 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức cho vay xoay vòng.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, vấn đề “tam nông” được cả hệ thống chính trị quan tâm vào cuộc, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự lực tự cường và sôi nổi thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu, giúp phát triển nông nghiệp toàn diện và thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

NQ Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ra đời trong bối cảnh kinh tế đất nước sau 20 năm đổi mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. NQ một lần nữa xác định là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN