Học sinh tham quan trưng bày các sản phẩm dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Ý tưởng từ thực tế
Hầu hết các sản phẩm đạt giải cao tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” đều là các sản phẩm mang tính ứng dụng và có hàm lượng khoa học cao. Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nguyễn Huy Phục cho biết, chất lượng các sản phẩm dự thi tiếp tục được cải thiện. Phần mềm tin học tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học khá. Một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo khá thành công như: Thiết bị đo lường nồng độ bụi trong không khí, Cẩm nang chăm sóc sức khỏe, Thiết bị hỗ trợ tính toán dành cho người khiếm thị, Thiết bị báo động hiện tượng cát lở, cát lún, cát sụp, Thiết kế chế tạo mô hình báo cháy và rò rỉ khí gas...
Gặp Lê Đăng Quang tại lễ tổng kết cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” cấp tỉnh năm 2020, cậu học sinh lớp 12 Trường THPT Che Guevara trông chững chạc, tự tin khi giới thiệu trước đại biểu sản phẩm của mình. Nếu tại cuộc thi cấp tỉnh năm 2019, Đăng Quang và bạn mình là Quốc Thiện giành giải nhì (không có giải nhất), với sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ cho người lái xe mô tô khi bị tai nạn hoặc bị cướp” (lĩnh vực phần mềm tin học) thì năm nay, em cùng em gái của mình là Lê Đặng Kim Ngân (học sinh Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Nam) đã xuất sắc đạt giải nhất cấp tỉnh và tiếp tục tranh tài cấp quốc gia với “Thiết bị đo lường nồng độ bụi trong không khí”.
Nói về lý do sáng tạo ra thiết bị trên, Kim Ngân chia sẻ: “Trên đường em đi học, có những hôm bụi than, bụi xơ dừa mù mịt làm em cảm thấy rất khó chịu, nên em bàn với anh Quang tìm cách tạo ra một thiết bị có thể đo nồng độ bụi để cảnh báo cho mọi người biết và phòng vệ, giữ gìn sức khỏe”.
Qua tìm hiểu thực tế, Quang và Kim Ngân còn nhận ra rằng, ngoài bụi từ các điểm sản xuất xơ dừa, còn có các loại bụi phát sinh từ quá trình sản xuất, phương tiện giao thông ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Cũng sáng tạo để giải quyết vấn đề thực tế, em Nguyễn Hoàng Phú, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Văn Ơn đã sáng tạo ra sản phẩm “Ứng dụng hệ thống điều khiển thông minh trong nuôi tôm công nghiệp”. Ý tưởng bắt nguồn từ việc trong gia đình em có các cô chú nuôi tôm ở Bình Đại chia sẻ những khó khăn trong chăm sóc tôm. Từ đó, em nảy sinh ý tưởng tạo ra sản phẩm có thể điều khiển các thiết bị trong nuôi tôm bằng smartphone.
Hay như với sản phẩm đạt giải ba “Thiết bị báo động hiện tượng cát lở, cát sụp, cát lún” xuất phát từ ý tưởng khi em Phan Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường THCS Thới Thạnh (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú) xem thời sự, thấy hiện tượng sạt lở bờ sông xảy ra rất nhiều, gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản.
Hỗ trợ kiến thức chuyên môn
Phát triển ý tưởng từ thực tế, các sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ của học sinh đều gần gũi với cuộc sống, được thực nghiệm trong hoàn cảnh cụ thể. Hoàng Phú cho biết, thiết bị điều khiển nuôi tôm công nghiệp của em được áp dụng tại vuông nuôi tôm của người thân tại Bình Đại, cho kết quả như mong muốn. Mỹ Duyên cũng đã lắp thiết bị của mình ngay tại khu vực gần nhà để nhận cảnh báo cát sụp, cát lở. Còn thiết bị đo nồng độ bụi của Đăng Quang đã được các em thực nghiệm tại các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa tại địa phương để kiểm tra nồng độ bụi thải ra môi trường khi nào vượt giới hạn cho phép, ảnh hưởng sức khỏe công nhân. Từ đây, các chủ cơ sở có giải pháp khắc phục, giảm nồng độ bụi để bảo vệ sức khỏe cho công nhân và mọi người xung quanh.
Mặc dù với ý tưởng sáng tạo và khả năng của mình, các em học sinh đã tạo ra được các sản phẩm có tính ứng dụng, giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tế nhưng quá trình tạo ra sản phẩm cũng đã có nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các em là học sinh, kiến thức chuyên ngành chưa nhiều nên trong quá trình nghiên cứu phải tìm tòi và học thêm. Theo Lê Đăng Quang, cùng với việc tham vấn ý kiến của giáo viên bộ môn, em còn tham gia các diễn đàn về sáng tạo khoa học trên Internet để giao lưu, học hỏi thêm từ bạn bè, anh chị các trường đại học, nhất là về các kiến thức mới. “Hạn chế của chúng em là tại địa phương không có người hỗ trợ để hướng dẫn chúng em tiếp cận các kiến thức mới”, Đăng Quang nói.
Với các em học sinh, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế. Em Hoàng Phú nói: “Cuộc thi đem lại cho em nhiều kiến thức, thỏa niềm đam mê sáng tạo”. Tuy nhiên, dù chất lượng được nâng lên, các sản phẩm đạt giải cao hầu như đều có khả năng phát triển thương mại nhưng các em học sinh chưa được định hướng để phát triển sản phẩm.
Qua trao đổi các em đều chưa nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ ý tưởng hoặc phát triển sản phẩm lên mức thương mại. Một số có nghĩ đến nhưng chưa biết tham vấn với ai. Nên chăng các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh cần được hướng dẫn và đồng hành từ ngành chức năng, doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội để đưa sản phẩm đi xa hơn phạm vi của một cuộc thi.
Bài, ảnh: Thanh Đồng