Đức muốn NATO đối thoại với Trung Quốc tương tự cách làm với Nga

15/06/2021 - 06:36

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh bà ủng hộ cách tiếp cận "hai trụ cột," vừa răn đe và vừa đối thoại, với cả Trung Quốc và Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14-6, các nước NATO đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa răn đe và đối thoại, tương tự mối quan hệ với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau khi tham dự hội nghị, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh bà ủng hộ cách tiếp cận "hai trụ cột," vừa răn đe và vừa đối thoại, với cả Trung Quốc và Nga.

Bà cho rằng việc NATO cần phải lưu tâm hơn nữa tới một Trung Quốc trỗi dậy trong khái nhiệm chiến lược mới là hoàn toàn đúng đắn.

Theo bà, không thể coi nhẹ Trung Quốc nếu nhìn vào vấn đề an ninh mạng và sự hợp tác về quân sự và chính sách đối ngoại giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không nên cường điệu mà phải tìm kiếm sự cân bằng phù hợp trong cách tiếp cận.

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: "Trung Quốc là đối thủ trong nhiều vấn đề, song Trung Quốc cũng là đối tác trong nhiều lĩnh vực."

Do vậy, theo Thủ tướng Merkel, cần tạo cơ hội đối thoại với Trung Quốc giống như mô hình đối thoại Nga-NATO.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng sau hơn 30 năm kể từ chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh, Nga vẫn coi NATO là đối thủ. Do vậy, cách tiếp cận kép, một mặt là răn đe và phòng thủ, mặt khác sẵn sàng đối thoại là điều rất quan trọng.

Bà cũng nhấn mạnh về một hội nghị thượng đỉnh NATO quan trọng lần này giúp mở ra một sự khởi đầu mới.

Ngoài vấn đề trên, Thủ tướng Merkel cũng tái khẳng định cam kết của các quốc gia NATO dành 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng.

Bà cũng thừa nhận một số đối tác NATO đã chi nhiều hơn mức này, đồng thời cho biết Đức sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu 2% cho tới năm 2030.

Thủ tướng Merkel cũng mong muốn NATO đánh giá lại sứ mệnh quân sự sắp kết thúc sau gần 20 năm qua ở Afghanistan.

Bà cho rằng NATO cần phải thảo luận những thành tựu cũng như những gì chưa làm được ở quốc gia Tây Nam Á.

Theo Thủ tướng Merkel, việc xây dựng một nhà nước ổn định về mặt chính trị khó hơn nhiều so với dự tính.

Hồi giữa tháng 4-2021, Mỹ thông báo kế hoạch muộn nhất tới ngày 11-9 tới sẽ rút hết binh sỹ khỏi Afghanistan.

Với Đức, những binh sỹ đầu tiên của nước này đã được rút về Đức trong khi các căn cứ quân sự của Đức ở Mazar-i-Sharif đang dần được bàn giao cho lực lượng an ninh Afghanistan.

Trong các sứ mệnh tại Afghanistan, riêng Đức có 59 binh sỹ thiệt mạng, trong đó có 35 người thiệt mạng trong các vụ tấn công hoặc trong giao tranh. Đức gần đây là nước đóng góp số binh sỹ lớn thứ hai cho NATO, sau Mỹ.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN