Ông đánh giá như thế nào qua 10 lần tổ chức ngày hội?
- Nhìn lại 9 lần tổ chức, ngày hội lần thứ X được tổ chức khá chu đáo, mở rộng qui mô hơn, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nhiều hơn, độc đáo, ấn tượng và hấp dẫn hơn. Các điểm du lịch sinh thái được mở rộng, tình hình an ninh trật tự tương đối đảm bảo… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia, nhà vườn và khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan. Đồng thời, ngày hội cũng đã xây dựng được một điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Đây cũng là cơ hội tốt để phát triển mạnh tiềm năng du lịch của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, điểm nhấn của ngày hội năm nay là tổ chức 3 lễ quan trọng với nhiều nội dung phong phú là lễ khai mạc, lễ tạ ơn Thần Nông và lễ tuyên dương nhà nông, được tổ chức rất trang trọng.
Các hội thi chủ yếu là hội thi trái ngon hàng năm được tổ chức vào lúc trái cây chính vụ, thu hút nhiều nhà vườn trong tỉnh và các tỉnh lân cận tham gia. Riêng ngày hội lần thứ X có 8 tỉnh tham gia dự thi trái sầu riêng. Nhìn chung, qua các năm, mẫu dự thi càng lúc càng nhiều hơn, chất lượng mẫu dự thi cũng được nâng lên và chất lượng mẫu đoạt giải đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc. Ngày hội còn phát hiện được nhiều giống mới bổ sung vào các giống cây đặc sản của tỉnh, đó là nhãn Thạch Kiệt, mít Mơ, mận Tam Hoa, thanh long ruột đỏ...
Công tác bồi dưỡng nộp mẫu và cơ cấu giá trị giải thưởng được Ban tổ chức thực hiện tăng dần qua các năm. Đặc biệt, năm nay, giá trị giải thưởng mẫu đoạt giải tăng gấp 3 lần so với năm 2009, cho nên số lượng mẫu dự thi cũng như số lượng và chất lượng mẫu đoạt giải đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đấu xảo nông sản lạ cũng qui tụ khá nhiều sản phẩm dự thi có hình dáng lạ, phong phú, độc đáo. Mỗi năm, ngày hội đều có sản phẩm mới lạ, rất hấp dẫn cho khách tham quan. Hội thi sinh vật cảnh cũng được mở rộng qui mô cũng như loại hình càng lúc càng phong phú hơn. Hội thi thiết kế thời trang từ rau, củ, quả là loại hình mới trong ngày hội lần này, đã tạo ra được các mẫu y phục độc đáo, lạ mắt, tạo ấn tượng cho khách tham quan. Cây giống, trái cây đặc sản của Bến Tre nói chung và Chợ Lách nói riêng, được nhiều người, nhiều địa phương biết đến, riêng cây giống được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước (qua các hợp đồng tiêu thụ).
Về du lịch, qua các năm, các điểm tham quan du lịch sinh thái từng lúc được mở rộng, kết hợp dịch vụ phục vụ khách tham quan, thu hút mỗi năm trên 100.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi và mua sắm. Hàng năm, ngày hội cũng đã huy động được nhiều đơn vị tài trợ, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hỗ trợ, góp phần cho sự thành công của ngày hội.
Theo ông, những hạn chế, tồn tại nào cần lưu ý khắc phục?
- Trải qua 10 lần tổ chức Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp, ngoài những thành tựu đạt được, còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục cho những lần tổ chức kế tiếp được hoàn chỉnh hơn như sau: Bộ phận du lịch còn mỏng, nên việc hướng dẫn khách tham quan trong ngày khai mạc còn hạn chế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của du khách ngoài tỉnh. Về đi lại tham quan đôi lúc còn xảy ra ách tắc giao thông tại các cầu trên tuyến quốc lộ 57 do cầu bị yếu, mặc dù huyện có tích cực gia cố, sửa chữa. Tuy đã có qui định đối với sản phẩm trong khu vực trưng bày, nhưng cũng còn có một vài gian hàng chưa niêm yết giá và bán không đúng giá theo qui định. Ngoài ra, còn có vài sản phẩm đưa ra bán nhưng chưa qua kiểm nghiệm và một số chủng loại trái cây bán không đảm bảo chất lượng. Các trường hợp này đã được xử lý ngay khi phát hiện. Khâu phục vụ điện, nước, bàn ghế cho các hoạt động ngày hội chưa đạt theo yêu cầu, hướng tới cần có giải pháp cụ thể hơn, tránh bị đọng chung. Lực lượng trực, bảo vệ khu lưu mẫu dự thi mỏng, chưa xử lý kịp thời nên dẫn đến tình trạng mất mẫu (do người dân lấy không ý thức) trong những lúc cao điểm, khách quá đông. Còn xảy ra mất mát, giựt dọc nữ trang vào thời điểm khai mạc các lễ hội.
Bài học kinh nghiệm nào qua 10 lần tổ chức, thưa ông?
- Ngày hội được tổ chức thành công là nhờ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp tương đối đồng bộ giữa các cấp, ngành có liên quan; sự hỗ trợ tích cực của các nhà tài trợ, nhất là sự hợp tác nhiệt tình của chính quyền và nông dân địa phương. Việc tổ chức ngày hội thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng sản xuất sạch đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập. Từng lúc, ban tổ chức có điều chỉnh nâng mức giá trị bồi dưỡng mẫu dự thi và giải thưởng để thu hút mẫu dự thi các năm sau được nhiều hơn, phong phú và chất lượng hơn; mở rộng công tác vận động tài trợ càng nhiều càng tốt, nhằm tổ chức ngày hội thêm phong phú hơn và góp phần giảm chi ngân sách; có biện pháp khắc phục các khâu phục vụ điện, nước, vệ sinh, giá cả dịch vụ nhằm đảm bảo các hoạt động diễn ra theo kế hoạch, an toàn, đạt hiệu quả.
Tỉnh có nên nâng tầm ngày hội thành ngày hội khu vực ĐBSCL không?
- Để việc tổ chức các hoạt động trong ngày hội được đa dạng, phong phú hơn, nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn hơn, đồng thời qua Hội thi Cây - trái ngon an toàn, phát hiện các loại giống mới, ngon, an toàn, chất lượng, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đề nghị UBND tỉnh cho phép tổ chức ngày hội mang tầm khu vực ĐBSCL, luân phiên mỗi năm giao cho một tỉnh đăng cai tổ chức, có sự phối hợp của các tỉnh còn lại trong khu vực. Huyện Chợ Lách tùy theo ngân sách địa phương, hàng năm đến ngày truyền thống trái cây của huyện có thể tổ chức hội thi trên địa bàn huyện như 3 lần tổ chức đầu tiên trước đây.
Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ X năm 2010 đã khép lại, nhưng hiệu quả đạt được trong ngày hội sẽ được phát huy hơn nữa và khẳng định tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian tới theo hướng sạch, an toàn là đúng đắn nhất.
Thay mặt Ban chỉ đạo, Ban tổ chức ngày hội, tôi xin chân thành cám ơn Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và bà con nông dân đã tích cực tham gia, hỗ trợ, tài trợ, góp phần cho ngày hội thành công trong 10 năm qua.