Được gì sau một năm triển khai thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

08/11/2012 - 14:28
Sản xuất cá khô ở xã An Nhơn (Thạnh Phú). Ảnh: H.Hiệp

Đề án “Thí điểm triển khai hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn Bến Tre giai đoạn 2010-2011” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức thí điểm tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre, thời gian thực hiện trong 2 năm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về những kết quả sau một năm thực hiện Đề án.

* Xin bà vui lòng cho biết sơ bộ về kết quả sau một năm triển khai thực hiện Đề án này?

- Năm 2011, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai thực hiện chương trình này. Vào ngày 14-1-2011, lớp học nghề đầu tiên theo hình thức cấp thẻ đã được khai giảng tại xã Châu Bình (Giồng Trôm). 

Qua một năm triển khai thực hiện, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đề án đã mang lại kết quả nhất định. Số lượng lao động được cấp thẻ là 4.689 thẻ. Trong đó, cấp 1.602 thẻ màu đỏ là lao động thuộc nhóm đối tượng I (thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác) chiếm 34%; cấp 295 thẻ màu xanh là đối tượng II (cận nghèo) chiếm 6,2%; cấp 2.792 thẻ màu vàng thuộc nhóm đối tượng 3 (các đối tượng khác), chiếm 59,8 % lao động (lao động nông thôn khác). Số lượng lao động được đào tạo đến cuối năm 2011 đạt 75,8%  (3.554/4.689) so với số thẻ được cấp. So với mục tiêu của Đề án, số lao động đăng ký cấp thẻ đã được học nghề đạt 113,2% (3.554/3.140). Số lao động học nghề nông nghiệp tự tạo việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ trên 70%. Một số nghề đào tạo có trên 90% lao động có việc làm, như: thuyền, máy trưởng tàu cá; chăn nuôi heo; trồng dừa.

Đề án đã đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra là: Về số lượng đào tạo vượt chỉ tiêu 13,2%, số lao động có việc làm sau khi được học nghề đạt từ 70% đến 90%. Người học nghề có quyền lựa chọn các nghề có nhu cầu cần học, lựa chọn các cơ sở dạy nghề, chọn địa điểm học phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ học vấn của mình. Có 10 cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế.

* Năm 2012 vì sao Đề án lại tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Năm 2012, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo hình thức cấp thẻ) được UBND tỉnh giao cho Sở NN& PTNT chủ trì tổ chức thực hiện dạy nghề nông nghiệp theo hình thức “thí điểm cấp thẻ học nghề” cho lao động nông thôn theo Văn bản số 3522, ngày 6-8-2012 của UBND tỉnh. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2012, dự kiến dạy nghề cho 1.500 lao động  với 50 lớp, tập trung cho 11 nhóm nghề. Tổng kinh phí thực hiện là 2 tỷ đồng. Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức triển khai thực hiện. Các huyện tập trung để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch mặc dù nguồn vốn được giao chậm so với năm qua.

* Giải pháp nào để Đề án thực hiện có hiệu quả cao nhất?

- Các huyện cần tập trung chọn các lớp đào tạo kết thúc vào cuối năm 2012, UBND các huyện chỉ đạo lập kế hoạch, dự toán chi tiết cho từng lớp học gửi về Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thẩm tra và trình Sở NN&PTNT phê duyệt. Các huyện cần nắm rõ nhu cầu học nghề của người lao động, lựa chọn các cơ sở dạy nghề có uy tín, năng lực để đăng ký kế hoạch thực hiện và hỗ trợ, phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc quản lý các lớp dạy nghề trên địa bàn huyện, theo dõi việc học nghề và việc làm của người lao động sau khi đào tạo.

Đây là năm đầu tiên Sở NN&PTNT thực hiện dạy nghề nông nghiệp, nên bước đầu còn lúng túng nhưng với quyết tâm của ngành và sự phối hợp tốt với các ngành có liên quan, UBND các huyện, chắc chắn sẽ hoàn thành chỉ tiêu được giao, đưa công tác dạy nghề gắn kết chặt chẽ với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

* Xin cảm ơn bà!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN