
Nhân viên Siêu thị Co.opmart đo nhiệt độ cho khách hàng.
Chỉ đạo kịp thời
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát những trường hợp từng đến Đà Nẵng để sàng lọc và cách ly y tế phù hợp theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. Tính đến ngày 22-8-2020, ngoài các trường hợp trở về từ Đà Nẵng, tỉnh cách ly tập trung 3 chuyên gia người Nhật Bản; 186 công dân về từ Dubai tại Trung đoàn Bộ binh 895, ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì nghiêm việc rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân để nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch Covid-19; đồng thời, chủ động thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần không chủ quan, lơ là hoặc hoang mang.
Các hoạt động chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt. Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân theo các nhóm đối tượng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với 182.179 trường hợp, kinh phí 189,177 tỷ đồng. Riêng đối với 825 trường hợp mới phát sinh của huyện Mỏ Cày Nam, huyện đang chuyển tiền về xã để chi hỗ trợ, kinh phí 834,8 triệu đồng.
Từ ngày 26-7 đến 10-8-2020, tỉnh đã tiếp nhận 639 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, 608 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp nhận 8.668 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 8.008 người.
Tác động của dịch Covid-19
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giảm đơn hàng, không có đơn hàng, thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất vẫn còn tiếp diễn. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 7 doanh nghiệp có biến động về lao động, việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, số lao động bị ảnh hưởng 1.121 lao động. Tính đến ngày 10-8-2020, có 463 trường hợp cách ly tại nhà, 12 trường hợp tại Bệnh xá Công an tỉnh, 11 trường hợp tại Trung tâm Y tế các huyện/thành phố.
Hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Mặt hàng khẩu trang vải đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Riêng mặt hàng khẩu trang y tế, nguồn cung vẫn còn ít, một số cơ sở kinh doanh chưa lấy được hàng hóa từ các nhà cung cấp về để bán.
Hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi dịch bùng phát trở lại ở nước ta. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vẫn hoạt động nhưng không có khách đăng ký tour hoặc đã đăng ký nhưng chủ động hủy tour. Đối với các cơ sở lưu trú cũng trong tình trạng tương tự. Có 3/25 doanh nghiệp lữ hành, 2/45 cơ sở lưu trú, 13/40 homestay, 10/43 khu, điểm du lịch thông báo tạm ngưng hoạt động.
Duy trì trạng thái phòng chống dịch
Trên cơ sở đánh giá các tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục duy trì trạng thái phòng chống dịch và tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tập huấn đánh giá phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Ngành y tế duy trì chế độ báo động đỏ trong toàn ngành, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh. Ngoài ra, các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường, có giải pháp ổn định kịp thời khi thị trường có biến động. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường hỗ trợ về khuyến công nhằm giúp các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, cải tiến sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hướng dẫn doanh nghiệp khởi tạo và vận hành hiệu quả gian hàng trên sàn thương mại điện tử; tổ chức giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa. Tập trung giới thiệu và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh sang thị trường các nước EU. Cập nhật, thông tin đến các doanh nghiệp tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; các chính sách, rào cản trong xuất nhập khẩu của các thị trường.
Thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của công dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, trường hợp trở về từ vùng có dịch không chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự tại địa điểm tổ chức cách ly tập trung công dân Việt Nam về từ nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh, Phó chủ tịch Nguyễn Phúc Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cùng lãnh đạo Hội Doanh nhân tỉnh vừa đến thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Khu cách ly tập trung, Trung đoàn Bộ binh 895, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Dịp này, đoàn đã trao nhiều phần quà cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây.
Khánh Chi
|
Bài, ảnh: Phan Hân