EU và Anh tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để đạt thỏa thuận

07/12/2020 - 13:43

Hai nhà đàm phán David Frost của Anh và Michel Barnier của EU đã gặp lại nhau ở Brussels vào ngày 6-12, kết thúc hai ngày tạm nghỉ sau một tuần tranh cãi mà không đi tới kết quả nào.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục những cuộc đàm phán cuối cùng của họ kéo dài trong hai ngày 6 – 7-12 (giờ địa phương) để đảm bảo được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc nước Anh rời EU), sau 8 tháng không đạt được kết quả.

Hai nhà đàm phán David Frost của Anh và Michel Barnier của EU đã gặp lại nhau ở Brussels vào ngày 6-12, kết thúc hai ngày tạm nghỉ sau một tuần tranh cãi mà không đi tới kết quả nào.

Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài vì một nhóm nhỏ gồm các nhà đàm phán cấp cao đang tranh luận những vấn đề cuối cùng gây nhiều tranh cãi nhất.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là sẽ vận động các nhà lãnh đạo châu Âu, dù cuộc điện đàm của ông với người đứng đầu EU, bà Ursula von der Leyen vào ngày 6-12 chưa thu hẹp được khác biệt vẫn còn tồn đọng giữa hai bên.

Ông Johnson và bà von der Leyen sau đó đã đưa ra một tuyên bố chung không mấy hào hứng, cho thấy hai bên vẫn có sự chia rẽ lớn về quyền đánh bắt cá, các quy tắc thương mại công bằng và cơ chế thực thi để điều chỉnh bất kỳ thỏa thuận nào.

Cuộc họp tiếp theo của giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào tối 7-12. Sau đó 27 quốc gia thành viên EU sẽ tập trung tại Brussels vào ngày 10-12 để tham gia cuộc họp kéo dài hai ngày.

Cuộc họp dự kiến sẽ giải quyết tranh chấp giữa các nước về vấn đề ngân sách chung, nhưng nhiều khả năng sẽ một lần nữa bị che lấp bởi những lo ngại về Brexit.

Nước Anh đã chính thức rời EU vào tháng 1-2020, gần bốn năm sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này.

Hiện Vương quốc Anh vẫn bị ràng buộc trong thị trường chung châu Âu cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào cuối năm nay - một thời hạn đã được ấn định và hai bên cho tới thời điểm đó phải cố gắng thống nhất các điều khoản mới cho mối quan hệ trong tương lai.

Nếu không có một thỏa thuận, phần lớn hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa Anh và EU sẽ lại chịu thuế quan và hạn ngạch theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết thúc gần 5 thập kỷ hội nhập kinh tế và chính trị chặt chẽ.

Theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh, Brexit không thỏa thuận sẽ làm sản lượng kinh tế của Anh trong năm 2021 giảm thêm 2% trong khi làm gia tăng lạm phát, thất nghiệp và vay nợ công.

"Cú sốc" đối với châu Âu sẽ khác nhau, song những nước có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Ireland, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Malta và Ba Lan.

Viện nghiên cứu kinh tế Halle dự báo các công ty xuất khẩu của EU sang Anh có thể mất hơn 700.000 việc làm nếu không có thỏa thuận thương mại nào được thống nhất.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN