
Nhiều sản phẩm từ mô hình kinh tế tập thể của huyện Thạnh Phú đã ra thị trường. Ảnh: Cẩm Trúc
Ước đến ngày 30-6-2018, toàn tỉnh có trên 1.100 tổ hợp tác (THT), trong đó, có 900 THT được thành lập theo Nghị định số 151 của Chính phủ; 97 hợp tác xã (HTX), trong đó có 86 HTX đang hoạt động. Riêng lĩnh vực nông nghiệp thành lập nhiều HTX nhất với 55 HTX. Số lượng THT, HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển tốt trong 2 năm gần đây. Để các THT, HTX hoạt động đúng thực chất và hiệu quả như mong đợi là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm.
3/21 HTX xếp loại tốt
Kết quả đánh giá, phân loại các HTX nông nghiệp hoạt động đối với 21 HTX cho thấy, toàn tỉnh chỉ có 3 HTX xếp loại tốt. Số còn lại hầu hết HTX vẫn chưa đủ năng lực để lôi kéo các xã viên vào các hoạt động HTX; xã viên chưa thụ hưởng nhiều lợi ích từ tham gia HTX, cũng như mục tiêu cải thiện thu nhập.
Theo bà Nguyễn Thị Mãi - Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nguyên nhân là HTX chưa thực hiện được vai trò làm cầu nối sản phẩm của thành viên đến thị trường. Cung ứng dịch vụ từ thị trường đến thành viên chưa như mong đợi. Niềm tin của thành viên đối với HTX chưa có hoặc chưa đủ mạnh để góp vốn và thực hiện cam kết với HTX. HTX chưa có thị trường hoặc ít nhất 1 hoạt động có lãi, chưa đủ năng lực để cạnh tranh. Nhân sự quản trị, điều hành, kiểm soát chưa thực hiện thành thạo nhiệm vụ theo điều lệ HTX. HTX chưa thu hút được đội ngũ chuyên môn giúp việc giỏi về làm việc do không có kinh phí, dẫn đến một số HTX bố trí thành viên hội đồng quản trị kiêm thủ quỹ mặc dù biết Luật HTX năm 2012 quy định không được kiêm nhiệm. Trong hoạt động, HTX chưa tự lực, tự quản lý, điều hành, còn trông chờ sự dẫn dắt của các cơ quan nhà nước…
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ so sánh, các nước có phong trào HTX phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ… khẳng định HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm cho người nông dân. Vai trò cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu cho thành viên HTX, người nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - thị trường.
Ở tỉnh, các THT, HTX trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bước đầu cũng đã thể hiện khá tốt vai trò đầu mối để ký kết hợp đồng với các đối tác. Từ đó, các doanh nghiệp đã ký kết được 78 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như: dừa có 58 hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre; bưởi da xanh có 20 hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp Hương Miền Tây. Đây là cơ sở để nông dân hợp tác với nhau và mong đợi có được thu nhập cá nhân cao hơn từ những cải thiện trong tiếp cận thị trường đầu vào, đầu ra và các dịch vụ hỗ trợ. HTX hoạt động theo hướng chuỗi giá trị, từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Gạo hữu cơ Thạnh Phú đã được phát triển thương hiệu tại thị trường trong nước và ngoài nước.
Vấn đề hạn chế là các khâu trong chuỗi hoạt động còn rời rạc, dàn trải và cầm chừng nên sức cạnh tranh chưa cao, dẫn đến tâm trạng chung của thành viên HTX, người nông dân vẫn còn lo lắng là “khi được mùa thì rớt giá và chịu cảnh bị tư thương ép giá”. Nguyên nhân chủ yếu là các HTX chưa tiếp cận và huy động được nguồn vốn, cán bộ quản lý HTX còn yếu trong hoạch định chiến lược, trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trong việc chủ động tìm kiếm thị trường để phát triển.
Xây dựng HTX kiểu mới
Ông Võ Tiến Sĩ cho rằng, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trong thời gian tới, việc phát triển HTX phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và theo quy hoạch phát triển nông nghiệp. Tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật HTX năm 2012, các văn bản pháp luật liên quan; đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX trong nội bộ hệ thống chính trị và nhân dân. Phát huy tốt vai trò phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Đặc biệt, việc chọn người tuyên truyền phải am hiểu, quán triệt quan điểm, chủ trương của tỉnh, tránh để tình trạng đi ngược lại với định hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh như đã xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua.
Phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh và chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ củng cố, phát triển 15 HTX điểm, thành lập mới HTX hoạt động đúng bản chất, gắn với xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để nhân rộng toàn tỉnh. Hỗ trợ HTX làm đầu mối giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp phát triển sản xuất.
“Thời gian qua, người dân đã mất niềm tin vào mô hình HTX kiểu cũ. Vì thế, để xây dựng lại niềm tin đối với HTX kiểu mới, mỗi HTX phải đóng vai trò là cầu nối cho sản phẩm của thành viên đến thị trường, cung ứng tốt dịch vụ đầu vào theo nhu cầu của thành viên thông qua thực hiện có hiệu quả mối liên kết với các đối tác. Nội dung hoạt động HTX phải bắt nguồn từ thành viên, phải hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu của thành viên”, bà Nguyễn Thị Mãi nói.
Chính quyền cấp xã tăng cường quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đến người dân về lợi ích của việc tham gia HTX; phân công cụ thể cán bộ ở xã hỗ trợ, theo dõi thường xuyên để nắm thông tin tình hình hoạt động HTX, kịp thời giúp các đề xuất, tháo gỡ khó khăn liên quan. Thực hiện quy trình thủ tục để giải quyết dứt điểm các HTX ngưng hoạt động nhưng không có khả năng củng cố, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc