Gắn tư duy “mở đường” và hành động thực tiễn

25/09/2011 - 16:48

Những ngày này, cả nước đang hướng về dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011). Bến Tre là một trong những đầu cầu tiếp vận vũ khí Bắc - Nam oai hùng và huyền thoại ấy. Trong lịch sử quân sự nhân loại chưa từng có con đường vận chuyển vũ khí đặc biệt như vậy. Tài trí Việt Nam, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam là nguồn cội làm nên biểu tượng cao đẹp về lòng dũng cảm, chí kiên cường trên vùng lãnh hải biển Đông của đất nước trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Quả thực, khái niệm “mở đường” trước hết bắt đầu từ tư duy “mở đường”. Theo nghĩa đen, mở đường thường gắn với lĩnh vực giao thông, vận tải. Vì nhu cầu đi lại nhanh chóng, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao mà con người mở đường. Có đường bộ, đường hàng không và đường hàng hải. Đã nói con đường là phải có điểm xuất phát, điểm đến, có phương tiện tham gia đi lại và có qui đinh (luật) đi đường. Theo nghĩa bóng, người ta thường hình dung ra con đường là một quá trình có thời điểm, thời đoạn phụ thuộc vào từng lĩnh vực mà người nói muốn ngụ ý phản ánh, chẳng hạn như đường đời, đường học vấn, đường danh vọng, đường tình cảm…

Dù nghĩa con đường là thế nào đi nữa, song tư duy “mở đường” là điều chúng ta ngày càng quan tâm, nhất là trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Tư duy “mở đường” biểu hiện ở hai nội dung. Thứ nhất, là không chấp nhận cách tư duy cũ, lỗi thời, không còn phù hợp thực tiễn. Thứ hai, là suy xét, tìm tòi, thể nghiệm từ cách nghĩ mới, cách làm mới để đạt được mục đích của sự đổi mới, phát triển. Tư duy “mở đường” là cơ sở lý luận tạo nên động cơ, nhiệt tình mong muốn thay đổi hiện thực, song phải gắn với cơ sở khoa học và hành động thực tiễn thì mới gặt hái thành công.

Lịch sử dân tộc và đấu tranh cách mạng của quân, dân ta có rất nhiều dẫn chứng sinh động thể hiện tư duy “mở đường” của người Việt Nam. Cách nay hơn 1.000 năm, Vua Lý Thái Tổ quyết định dời Thủ đô nước Đại Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Đó là sự quyết đoán từ tư duy “mở đường” đúng đắn, hợp qui luật. Cách nay 100 năm (năm 1911), trong cảnh nước mất nhà tan, chủ nghĩa thực dân hoành hành khắp thế giới, người thanh niên Nguyễn Tất Thành “mở đường” ra đi tìm con đường cứu nước. Suốt 30 năm tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người đã tìm ra con đường đúng đắn nhất, khoa học nhất là Chủ nghĩa Mác - Lê nin và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để đất nước được độc lập, tự do, để nhân dân Việt Nam trở thành chủ nhân của non sông gấm vóc đất, trời và biển đảo. 65 năm (năm 1946) về trước, nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định đã chỉ huy con tàu gỗ đầu tiên vượt biển ra Bắc xin Trung ương chi viện vũ khí về Nam đánh Pháp. 25 năm về trước (năm 1986), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI cũng “mở đường” cho công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận. Từ cơ chế bao cấp, quan liêu chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN là một quá trình, khẳng định vai trò tư duy “mở đường” và bản lĩnh của những cán bộ đảng viên, của những địa phương dũng cảm, bứt phá “mở đường”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò “mở đường” của cán bộ, đảng viên trong mọi phong trào cách mạng: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Biết bao cảm tử quân trong kháng chiến chống Pháp và chiến sĩ Tổ xung kích làm nhiệm vụ “mở đường” các trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ là tấm gương sáng muôn đời về đức hy sinh, lòng quả cảm vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”.

Kẻ thù của tư duy “mở đường” là bệnh quan liêu, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chủ tịch thường căn dặn những người làm cách mạng phải chiến thắng ba kẻ thù: chủ nghĩa tư sản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, là kẻ địch ở bên trong. Liên hệ thực tiễn thời gian qua, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên tích cực Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên bị đủ các loại “bệnh” chi phối, như bệnh thành tích, bệnh chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp… Vì thế mới xuất hiện hiện tượng nhà khoa học “bàn giấy” thua người nông dân thông thái. Trong khi nhiều cán bộ khoa học chỉ ngồi bàn giấy, nghiên cứu lý luận suông, thì chính những người nông dân đã trăn trở “mở đường” và tìm đường cải tiến kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng và tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Về đổi mới công tác cán bộ, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm qui chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Trong công cuộc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, của Nhà nước hiện nay, việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chiến lược Biển… đang rất cần những con người dũng cảm “mở đường” về cả tư duy và hành động thực tiễn, kể cả cá nhân và tập thể để mục tiêu dân giàu, nước mạnh ngày càng tiến tới. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những giá trị mới bổ sung vào những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam hôm nay.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN