Gặp gỡ Công dân Đồng Khởi tiêu biểu, Công dân Đồng Khởi danh dự lần thứ 3 năm 2023

16/01/2023 - 13:11

BDK.VN - Ngày 4-1-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc trao tặng “Danh hiệu công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ 3 năm 2023, cho 10 cá nhân, đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đóng góp cho xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre. Trong đó, “Danh hiệu Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” có 8 cá nhân, “Danh hiệu công dân Đồng Khởi danh dự” gồm 2 cá nhân.

8 Công dân Đồng Khởi tiêu biểu

* Đại tá Trần Quốc Việt - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: Sắt son nghĩa tình cùng đồng đội

Trong thời chiến, những anh bộ đội Cụ Hồ luôn đồng hành, kề vai sát cánh, cùng tác chiến chống địch, cùng vào sinh ra tử để bảo vệ quê hương, giữa thời bình, những chiến binh ấy vẫn giữ vẹn nguyên phẩm chất, ý chí kiên trung, tấm lòng nhân ái, cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương Bến Tre ngày thêm giàu đẹp. Đại tá Trần Quốc Việt (mọi người thường gọi là ông tư Việt Liêm) - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh là một trong những điển hình như thế.

Đại tá Trần Quốc Việt quan niệm, Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những “vết thương” do chiến tranh để lại vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương cũng chính là một cuộc cách mạng và rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người. Vì vậy, khi nghĩ hưu, Ông vẫn tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương. Ông không ngừng động viên các cấp Hội Cựu chiến binh nêu cao ý chí bất khuất, tinh thần tự lực tự cường, đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, cùng giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững.

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đại tá Trần Quốc Việt là người khởi xướng mô hình “5+1” nghĩa là 5 cựu chiến binh khá, giàu giúp 1 cựu chiến binh nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mô hình này được triển khai, phát động thực hiện rộng khắp trong Hội CCB toàn tỉnh và nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhờ sự kề vai, giúp sức của đồng chí, đồng đội đã vươn lên, thoát nghèo bền vững và tiếp tục có những đóng góp cho xã hội, cho quê hương.

Đại tá Trần Quốc Việt còn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong thực hiện mô hình vận động xây nhà Nghĩa tình đồng đội. Không chỉ giới hạn trong các cấp Hội Cựu chiến binh tại Bến Tre, mô hình này đã được Trung ương Hội nhân rộng tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tính đến nay, cá nhân ông đã vận động xây dựng gần 600 ngôi nhà Nghĩa tình đồng đội cho gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Những căn nhà Nghĩa tình đồng đội đã động viên tinh thần to lớn, giúp các gia đình cựu chiến binh được “an cư”, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Đại tá Trần Quốc Việt cũng luôn tâm huyết, nỗ lực trong vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân thực hiện phụng dưỡng suốt đời cho mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông xem đây là nghĩa vụ, là bổn phận, là trách nhiệm của những người con, người lính cách mạng đối với các Mẹ.

Với sự quan tâm, chăm lo từ người già đến trẻ nhỏ, Đại tá Trần Quốc Việt luôn thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, Ông tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thực hiện các chương trình học bổng, học phẩm, giúp các em học sinh được tiếp sức kịp thời trên con đường học vấn. Đến nay, có gần 500 chiếc xe đạp, với trị giá gần 700 triệu đồng, cùng hàng ngàn suất quà tặng đã được trao đến các em học sinh nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Với Đại tá Trần Quốc Việt, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống quý báu trong đạo lý và cách sống của những người lính cách mạng trong bất cứ thời đại nào. Hơn bao giờ hết, ông cảm nhận sâu sắc tình cảm của người dân, sự hy sinh xương máu của đồng đội, của những người đã ngã xuống ở chiến trường năm xưa để đổi lấy hòa bình cho hôm nay và để lại nỗi quặng đau trong lòng của những người còn ở lại. Để từ đó, cái nghĩa, cái tình với nhân dân, với đồng đội vẫn son sắt và vẹn nguyên như ngày nào. Chính điều đó đã thôi thúc người chiến sĩ “có tuổi” vẫn không ngừng góp sức xây dựng quê hương, kỳ vọng về một xứ Dừa phát triển cao hơn trong tương lai.

* Bà Nguyễn Thị Khao - nguyên Trưởng ban Ban Phụ vận tỉnh Bến Tre, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Bến Tre: Người chiến sĩ Đội quân tóc dài kiên trung, tình nghĩa

Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, 15 tuổi bà Nguyễn Thị Khao (bí danh Út Thắng) đã tham gia cách mạng. Năm 19 tuổi, nữ binh Út Thắng được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và từ đó, cô gái quê dừa dấn thân vì nước, vì dân, trước sau như một, vẹn chữ kiên trung và sâu nặng nghĩa tình.

Đồng Khởi năm 1960 được xem là biểu tượng của tiềm năng cách mạng và năng lực sáng tạo của quần chúng được phát huy cao độ, thì câu chuyện về đội quân tóc dài - tên gọi của lực lượng đấu tranh chính trị trực diện trong thời kỳ Đồng Khởi mãi mãi là một huyền thoại. Mỗi chiến sĩ trong hàng trăm, hàng nghìn chiến sĩ của đội quân tóc dài là một anh hùng chống Mỹ.

Với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh lúc ấy, bà Nguyễn Thị Khao không chỉ trực tiếp lãnh đạo lực lượng chiếm giữ một số đồn bót ở các xã: Ngãi Đăng, An Định, huyện Mỏ Cày Nam, mà còn là một trong hơn 5.000 phụ nữ thực hiện chiến thuật “tản cư ngược”. Qua đó, đã khiến cả binh đoàn sừng xỏ của địch phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân trước những người phụ nữ tay không tấc sắt.

Với năng lực, uy tín vượt trội, bà Nguyễn Thi Khao từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, từ Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban Đấu tranh chính trị, Trưởng ban Dân y, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, dù là thương binh, sức khỏe kém, nhưng với sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, bà vẫn gắng sức tham gia hoạt động xã hội, với nhiều vai trò như: Cố vấn Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ khu phố,... Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Khao là người sáng lập Câu lạc bộ Cán bộ hưu trí nữ tỉnh - nơi tập hợp, sẻ chia cũng như hướng những người về hưu tiếp tục tham gia hoạt động cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Mô hình hội tương trợ không lời, heo đất tiết kiệm ở chi hội, tổ hội phụ nữ do bà Nguyễn Thị Khao sáng lập, nhằm giúp hội viên phụ nữ nghèo, người nghèo vươn lên, thoát nghèo rất hiệu quả. Sau đó, mô hình này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, hiện vẫn còn được chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh phát huy và duy trì.

Đặc biệt, từ năm 2003 và những năm tiếp sau đó, bà Võ Thị Khao cùng người bạn đời đã đứng ra vận động nhiều nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây tặng 13 căn nhà tình nghĩa, 18 căn nhà tình thương; trao tặng hàng trăm suất học bổng, học phẩm,… cho học sinh nghèo hiếu học trong tỉnh. Tổng giá trị quy thành tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, gia đình bà đóng góp trên 300 triệu đồng từ lương hưu, tiền trợ cấp thương binh,… Số kinh phí này rất có giá trị ở thời điểm cách nay 20 năm.

93 tuổi đời, 74 năm tuổi Ðảng, ngoài chống chịu những căn bệnh của tuổi già, bà Nguyễn Thị Khao còn phải chịu đựng những nỗi đau thể xác bởi di chứng chiến tranh, từ những trận đòn roi tra tấn dã man của địch lúc bà bị bắt, tù đày. Thế nhưng, sự kiên cường, ý chí sắt đá của người phụ nữ từng góp công làm nên cuộc Đồng Khởi năm nào vẫn còn đó, vẫn dũng cảm, vẫn sâu nặng ân tình với quê hương.

* Ông Nguyễn Tu Mi - Tổng giám đốc Công ty TNHH kinh doanh Vàng Mi Hồng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân tỉnh Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Bến Tre: Kinh doanh để được đóng góp và đồng hành cùng xã hội

Với tâm niệm, thực hiện tốt đạo đức kinh doanh và sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, đặc biệt là trong hoạt động phải hướng về quê hương Bến Tre luôn là ý nguyện, là nguyên tắc sống, sản xuất kinh doanh của ông Nguyễn Tu Mi - Tổng giám đốc Công ty TNHH kinh doanh Vàng Mi Hồng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân tỉnh Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Bến Tre.

Trong quá trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp, ông luôn phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất, kinh doanh, tạo lập và tích lũy nhiều giá trị vật chất, tinh thần để tham gia đóng góp, xây dựng quê hương Bến Tre giàu đẹp, nghĩa tình.

Ông là cầu nối giữa các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân tỉnh Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Bến Tre với chính quyền tỉnh Bến Tre và TP. hồ Chí Minh trong các hoạt động giao thương, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm và đặc sản Bến Tre. Những chương trình, hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu ngân sách cho tỉnh Bến Tre.

Là một trong những doanh nhân có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, ông Nguyễn Tu Mi tích cực đóng góp vật chất cho các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, yếu thế, giúp họ vượt qua khó khăn, đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống, từng bước cải thiện kinh tế gia đình. Từ năm 1998 đến nay, ông đã đóng góp trên 40 tỷ đồng thực hiện công tác từ thiện xã hội, xây dựng giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, tu sửa đình thần,… tại huyện Châu Thành - nơi ông sinh ra và ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi phải tích góp từng đồng để vượt qua thời điểm khốc liệt này, nhưng doanh nghiệp của ông Nguyễn Tu Mi đã chia sẻ, đóng góp nhiều trang thiết bị để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Ông vận động bạn bè ủng hộ nhu yếu phẩm và thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân, góp phần động viên bà con chung tay vượt qua đại dịch. Với ông, việc chia sẻ cùng xã hội dù rất nhỏ cũng phải làm, bởi “Kinh doanh trước hết là để cuộc sống của mình tốt hơn, sau đó là cho cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình cùng được tốt. Cuối cùng, đích đến của người làm kinh doanh là mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội”.  Mỗi hành động của ông, từ hoạt động kinh doanh đến công tác xã hội đều thể hiện triết lý đầy nhân văn ấy. Với các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, trong năm 2021, Doanh nhân Nguyễn Tu Mi là một trong 10 cá nhân đoạt Giải thưởng Tình nguyện quốc gia.

*Ông Võ Ái Dân - nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Ban quản trị Hội tương tế Bến Tre tại Bình Dương: Âm thầm chắp cánh những ước mơ

Ông Võ Ái Dân, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban quản trị Hội tương tế Bến Tre tại Bình Dương, được sinh ra và lớn trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, ông lên Sài Gòn học tập và tham gia phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định.

Tuy nhiên, trường học lớn của ông là sau song sắt các nhà tù trên đất liền tại Côn Đảo từ năm 1961 đến ngày 3-5-1975 và thầy của ông là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Chính trong môi trường khắc nghiệt tại đây, ông được tiếp thu và truyền thụ những thông tin quan trọng về tình hình đất nước, về Bác Hồ, về Đảng,… để rồi giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng và đứng vào hàng ngũ những người cộng sản trung kiên, tham gia đấu tranh giữ vững khí tiết, bảo vệ lý tưởng cộng sản, đấu tranh đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt,... cho tù nhân tại các trại tù mà ông bị giam giữ.

Sau giải phóng, với nhiệt huyết cách mạng, ông tiếp tục học tập và tham gia công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian công tác hoặc khi nghỉ hưu, tâm tư, tình cảm của ông luôn hướng về quê hương Bến Tre. Ông luôn trăn trở về việc phải làm gì để tri ân, bù đắp những mất mát, hi sinh của người có công với cách mạng và gia đình họ; làm gì để cuộc sống người nghèo bớt khó khăn, nhọc nhằn, làm gì để kinh tế - xã hội Bến Tre phát triển? Từ những nỗi niềm đau đáo đó, ông xác định phải tích cực, quyết liệt thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội đối với quê hương, nhưng trọng tâm, lâu dài và bền vững là thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Bởi vì, ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; học là để làm người, để lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc. Vì vậy, ông là một trong những thành viên của Ban Vận động thành lập Hội Khuyến học tỉnh từ năm 1997 và là thành viên Ban Thường trực, Ban Chấp hành Hội từ đó đến nay.

Hàng năm, ông đều vận động Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương - Tổ chức xã hội mà ông là Trưởng Ban quản trị, ủng hộ cho Hội Khuyến học tỉnh,  Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo vệ quyền trẻ em, Ban Liên lạc hội đồng hương Bến Tre tại Cần Thơ,… một phần kinh phí để trao giải thưởng Trương Vĩnh Ký, cấp học bổng Nguyễn Thị Định, học bổng Lê Thị Mẫn,  học bổng Nhân Thiện,… cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Bến Tre

Theo thống kê sơ bộ, những suất học phẩm, học phẩm, xe đạp mà ông đã vận động cho học sinh, sinh viên Bến Tre có giá trị hơn 12 tỷ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ, động viên rất lớn cho các em học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, có việc làm ổn định. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên đã thành đạt và tiếp nối truyền thống “tương thân tương ái”, đã tham gia đóng góp cho các quỹ học bổng rất ý nghĩa mà mình đã từng được tiếp nhận, thụ hưởng trước đây.

Không chỉ chấp cánh ước mơ cho các em học sinh, sinh viên và cho gia đình các em bằng các hoạt động khuyến học, khuyến tài, mà ông và Hội tương tế Bến Tre tại Bình Dương còn tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, gắn kết cộng đồng tại các huyện và TP. Bến Tre. Qua đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình chính sách được quan tâm, hỗ trợ và chăm lo tốt hơn, góp phần vun đắp nghĩa tình ấm áp trong xã hội.

Với chặng đường dài bền bỉ, nghĩa tình, âm thầm và lặng lẽ đóng góp cho quê hương Bến Tre, những thành viên của Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương, trong đó có ông Nguyễn Ái Dân luôn gìn giữ sự khiêm cung, thầm lặng góp sức và từ chối các đề xuất biểu dương, vinh danh của các tổ chức, cá nhân được kết nối, hỗ trợ. Quê hương Bến Tre luôn trân trọng và tri ân những tấm gương thầm lặng, với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình như thế, họ như những viên ngọc càng ngày càng sáng, như vàng càng luyện càng trong.

* Hòa thượng Thích Nhựt Tấn - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bến Tre: Nhịp cầu xây dựng “Đạo sáng - Đời vui”

Ngày 4-1-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc trao tặng “Danh hiệu công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ 3 năm 2023, cho 10 cá nhân, đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đóng góp cho xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre. Trong đó, “Danh hiệu Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” có 8 cá nhân, “Danh hiệu công dân Đồng Khởi danh dự” gồm 2 cá nhân.

Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, “Hộ quốc an dân” là phương châm hành đạo của Hòa thượng Thích Nhựt Tấn - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre.

Với 7 nhiệm kỳ liên tục giữ vai trò Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn đã cùng các thành viên trong Ban Trị sự điều hành tốt Phật sự, góp phần tạo nền tảng, xây dựng khối đoàn kết vững chắc trong tăng ni, phật tử; song song đó, Hòa thượng luôn quan tâm chăm lo tăng trưởng đạo hạnh, nâng cao hiểu biết về pháp luật, thực hiện tốt bổn phận của tăng ni, phật tử và nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu của Giáo hội Phật giáo và quy định của pháp luật. Đồng thời, giữ vững sự đoàn kết thân hữu với các tôn giáo khác, để hoà hợp nhịp sống đạo - đời cùng với các mối quan hệ xã hội khác.

Nhằm đào tạo, nâng cao trình độ giáo lý Phật giáo cho tăng ni, phật tử, đáp ứng công việc hoằng dương chính pháp, vào năm 2010, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện và hoàn thành thủ tục thành lập Trường Trung cấp Phật học tại Bến Tre, đảm bảo hoạt động đúng quy định của Giáo hội Phật giáo và pháp luật hiện hành. Đến nay, qua 4 khóa, đã đào tạo được gần 500 tăng ni sinh.

Là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh 5 nhiệm kỳ, đại biểu HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ và với tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, làm giàu đẹp quê hương Đồng Khởi, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn đã phát huy tốt vai trò của Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên tăng ni, phật tử và Nhân dân tỉnh nhà chấp hành tốt quy định của pháp luật, đoàn kết, đồng thuận, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình an sinh, thiện nguyện, vì cộng đồng tại Bến Tre.

Với đường hướng phụng sự xã hội, Ban Từ thiện xã hội của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN huyện, thành phố luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khuyến học, khuyến tài,… với tổng kinh phí vận động, ủng hộ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, với sự định hướng của Hòa thượng, vào dịp cuối năm, tăng ni, phật tử Bến Tre luôn tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho bà con Bến Tre tại các vùng kinh tế mới, để bà con có điều kiện vui xuân, đón Tết thật đầm ấm, nghĩa tình.

Với tâm niệm “Đời nuôi sống Đạo, nên muốn tốt cho Đạo, thì trước tiên phải làm đẹp cho Đời”, nên suốt quá trình tu tập của bản thân, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn luôn tu dưỡng đạo tâm, tích đức, rèn trí, để cùng với Phật giáo và các tôn giáo khác vận động tín đồ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo giá trị vật chất và tinh thần, gắn kết giữa Đạo và Đời để Đạo sáng và Đời vui.

* Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo, Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh: Ươm mầm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Tiến sĩ hóa học Huỳnh Kỳ Trân, sinh năm 1957, tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông được biết đến với nhiều vai trò như thầy thuốc, giảng viên đại học và doanh nhân thành đạt trong sản xuất mỹ phẩm.

Ông và một số cá nhân trong và ngoài tỉnh là những người xây dựng ý tưởng, đồng hành triển khai Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại quê hương Bến Tre. Với tâm huyết tạo nguồn lực để động viên, hun đúc tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên và Nhân dân tỉnh Bến Tre, ông đảm nhận vai trò Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Bến Tre. Việc ươm tạo, bồi dưỡng ý tưởng, dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, du lịch thông minh, nông nghiệp công nghệ cao,… luôn được ông quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ từ nguồn của Quỹ. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào những kết quả đáng ghi nhận mà Chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre” đạt được. Qua thực hiện chương trình, môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp của Bến Tre đã được cải thiện đáng kể.

Là Giám đốc Quỹ Tấm Lòng Vàng, ông đã ký kết và triển khai Đề án chăm sóc và hỗ trợ nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, với các nội dung như: Trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo,… và hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án Bến Tre xanh, xây dựng nhà ở tiêu chuẩn xanh. Ngoài ra, là Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và kinh tế tỉnh Bến Tre, ông tham gia tích cực vào các hội thảo, chương trình, dự án xây dựng và phát triển bền vững Bến Tre; xây dựng tầm nhìn chiến lược Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Với tư cách là Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Kỳ Trân đã cùng với các doanh nhân quê Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, để kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước về Bến Tre sản xuất, kinh doanh,… Đồng thời, ông còn tích vận động, đóng góp, ủng hộ cho hoạt động an sinh xã hội: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng mới cầu bê-tông thay cho cầu sắt cũ kỹ hay cầu khỉ, tuyến đường giao thông nông thôn,… tặng quà cho hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học qua chương trình “Vì ngày mai phát triển”, với học bổng “Tiếp sức đến trường”, tham gia thành lập quỹ học bổng Trương Vĩnh Trọng,… Ngoài ra, ông còn tham gia tư vấn thay đổi hành chính quản lý số, tham gia tập huấn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, hướng dẫn và giảng dạy cho các thanh niên về khởi nghiệp và sáng tạo,…

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng trong đại dịch Covid-19, Tiến sĩ, Lương y Huỳnh Kỳ Trân được UBND TP. Hồ Chí Minh vinh danh tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước thành phố lần thứ 5 năm 2022.

* Ông Huỳnh Ngọc Triển - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Việt Long, Phường 15, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre: Hạnh phúc là cho và sống vì người khác

“Hạnh phúc là cho và sống vì người khác. Đó là quan niệm sống rất nhân văn, nghĩa tình của ông Huỳnh Ngọc Triển, người con của quê hương Đồng Khởi, quê quán tại xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Ông tốt nghiệp loại ưu tại Trường Đại học kỹ thuật Bách Khoa Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh) và từng được giữ lại Trường làm giảng viên, nhưng với niềm đam mê kỹ thuật ứng dụng, ông tiếp tục theo học thạc sĩ tại Viện kỹ thuật Châu Á AIT - Thái Lan; tiếp đó, tu nghiệp sinh tại Đại học trứ danh Tokyo và tự tạo dựng cho mình vị trí vững vàng trong ngành xây dựng. 

Ông rất tâm đắc với câu châm ngôn “Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện là quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác. Hạnh phúc là cho và sống vì người khác”. Vì vậy, với ông, việc xây dựng sự nghiệp luôn song hành cùng với việc làm thiện nguyện, đặc biệt là với quê hương Bến Tre. Ông xem đây là cái nghĩa, cái tình và là sự tri ân của mình với nơi chôn nhau cắt rốn, nên ông luôn miệt mài, cần mẫn và thầm lặng, chăm chỉ đóng góp vật chất; thi công những công trình y tế, giáo dục cho tỉnh nhà.

Vào những năm 1990, với sự vận động kết nối của chú Năm Lê Huỳnh (Huỳnh Văn Cam) - Công dân Đồng Khởi tiêu biểu lần thứ I (năm 2021), ông đã xây dựng và trao tặng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh một phòng khám điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo. Những lần nâng cấp, duy tu, sữa chữa và tăng cường trang thiết bị khám, chữa bệnh đều có sự đóng góp của ông. Giá trị đóng góp trên 5 tỷ đồng. Nhờ phòng khám này, mà định kỳ các đoàn thăm khám và điều trị miễn phí từ Mỹ, Nhật, TP. Hồ Chí Minh có chỗ, có nơi, có trang thiết bị để khám, chữa bệnh, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi, nhất là khám tim, lắp chân tay giả,...

Đặc biệt, một việc làm thiện nguyện rất kịp thời, hiệu quả và mang lại niềm vui không chỉ cho lãnh đạo tỉnh, ngành y tế, mà còn cho nhiều, rất nhiều bệnh nhân sau này. Đó là, ông đã hỗ trợ tỉnh Bến Tre tham gia 50% vốn đối ứng (tương đương 75.000 USD) với tổ chức Hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản, do ông Nagato Natsume - Công dân Đồng Khởi danh dự lần thứ I - năm 2021 làm Chủ tịch Hội, tài trợ để xây dựng phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vào năm 1997. Vào thời điểm đó, ngân sách của tỉnh vô cùng khó khăn, việc đóng góp chừng ấy vốn đối ứng mà không có kế hoạch trước gần như không thể. Chính sự trợ giúp rất thiết thực, ý nghĩa của ông mà tỉnh Bến Tre đã có phòng phẫu thuật hiện đại nhất miền Tây thời điểm đó. Khi phòng phẫu thuật xuống cấp, ông lại tiếp tục đóng góp trên 30.000 USD để sửa chữa, nâng cấp.

Ngoài ra, ông còn tài trợ phục dựng nhà làm việc của cô Ba Định tại Khu Lưu niệm Nguyễn Thị Định; ủng hộ chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo; ủng hộ Quỹ học bổng Nhân Thiện; trợ giúp các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ an sinh xã hội nhiều năm tại các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và TP. Bến Tre,... Tổng trị giá ủng hộ quy thành tiền từ 1997 đến cuối năm 2022 của ông Huỳnh Ngọc Triển đạt trên 12,3 tỷ đồng.

Tuy rất nghĩa tình, tích cực góp sức cho quê hương Đồng Khởi, nhưng khi được hỏi đến những điều này, ông Huỳnh Ngọc Triển cười và nói: “Đâu có gì phải khen tặng, một người bình thường cũng biết thương quê hương mình chứ! Một khi trái tim có hình bóng quê hương, ai cũng có thể ra sức vì nó”.

* Ông Nguyễn Tấn Đạt (Nhạc sĩ Lan Phong) - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn ca múa Bến Tre, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ nhiệm CLB Giám đốc Trung tâm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long: Người gieo nhạc xứ Dừa

Sáng tác âm nhạc, gầy dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ để thỏa mãn đam mê của người nghệ sĩ, để thực hiện trách nhiệm của người làm công tác quản lý mà đó còn là cái nghiệp, cái tâm và cái tầm của người “chiến sĩ văn hóa” - Nhạc sĩ Lan Phong.

Ngay từ năm 1963, ông đã tham gia Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre. Từ mưa bom bão đạn của kẻ thù, đã trui rèn và vun bồi cho nhạc sĩ Lan Phong tình yêu chân thành, sâu sắc với xứ Dừa quật khởi. Tình yêu ấy đã đi suốt cuộc đời ông, với những đóng góp quan trọng cho văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà. Ông đã sáng tác trên 200 tác phẩm các thể loại, thể hiện nhiều nội dung phong phú về đất và người Bến Tre, ca ngợi những tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ và đồng bào Bến Tre trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi tình yêu Tổ quốc, khơi dậy tình đoàn kết, hăng say lao động sản xuất và khích lệ tinh thần thi đua yêu nước... Những tác phẩm tiêu biểu của ông như ca khúc: Quê ta trai tài gái giỏi, Người mẹ xứ dừa, Tiểu đoàn 516, Huyền thoại một dòng sông, Rực sáng rừng Dừa; Hợp xướng Ngôi sao bất tử; Nhạc kịch Măng và Tre,… đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong vai trò sáng tác âm nhạc.

Nhạc sĩ Lan Phong còn là người phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tố nghệ thuật, đã có hơn 800 diễn viên, giáo viên, người hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật được ông bồi dưỡng, phát triển năng khiếu và thành danh, hoạt động nghệ thuật, giữ vai trò hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn nghệ và công tác quản lý văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà.

Ông là người có đóng góp tích cực trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Năm 1986, ông đã gầy dựng phong trào đờn ca tài tử đến tận ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; thành lập CLB Đờn ca tài tử đầu tiên ở miền Nam từ thập niên 80, hình thành nhiều mô hình hoạt động nghệ thuật quần chúng có hiệu quả trong tỉnh và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. 

Là một trong những người hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh, với sự sáng tạo và nhiều nhiệt huyết cống hiến, ông đã mang cả trái tim và khối óc, sống hết mình vì quê hương, gắn năng khiếu nghệ thuật với hơi thở cuộc sống, hòa mình vào các phong trào quần chúng cơ sở,... nên sức cống hiến cho nghệ thuật, gieo những nốt nhạc vui cho đời của Nhạc sĩ Lan Phong luôn liên tục, bền bỉ. Đó chính là mảng sáng, truyền lửa cho con cháu, cho các thế hệ sau kế thừa, nối tiếp các chặng đường xây dựng văn hóa, nghệ thuật trên quê hương xứ Dừa

Công dân Đồng Khởi vinh dự

* Ông Lee Ki Hyun - Chủ tịch tổ chức Global Vision Hàn Quốc: Chung tay, góp sức vì sự phát triển cộng đồng

Hướng đến sự phát triển chung của cộng đồng chính là mục đích, tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Global Vision - một tổ chức phi Chính phủ của Hàn Quốc, do Ông Lee Ki Hyun làm Chủ tịch. Thời gian qua, cá nhân ông và tổ chức Global Vision đã quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bến Tre thực hiện nhiều hoạt động rất ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, điển hình là y tế, giáo dục, an sinh xã hội,...

Dự án “Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân nghèo tỉnh Bến Tre” mà Tổ chức Global Vision phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre thực hiện là một trong những dự án tiêu biểu, có tác động tích cực và đạt hiệu quả cao, với giá trị viện trợ toàn dự án đến nay đã gần 15 tỷ đồng. Các hoạt động của dự án đã cung cấp kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, cây giống, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, phân bón,… cho hơn 6.400 nông dân Bến Tre. Từ sự hỗ trợ này, các hộ nông dân nghèo, cận nghèo của tỉnh có điều kiện đầu tư vào các mô hình sản xuất cây ăn trái chuyên canh hiệu quả, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, nhất là có nhiều hộ dân hưởng lợi từ dự án đã thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh các hoạt động tạo sinh kế bền vững, ông còn phối hợp với Tỉnh đoàn Bến Tre trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, khuyến học khuyến tài thông qua ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ về phát triển lợi ích cộng đồng tại tỉnh Bến Tre. Từ năm 2018 đến nay, đã xây dựng và bàn giao 157 căn nhà tình thương cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 1 phòng thư viện và trang thiết bị thư viện; tặng máy vi tính, máy in, sách, xe đạp, khẩu trang y tế, dung dịch nước rửa tay, quà cho thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn,... với tổng kinh phí thực hiện trên 5,5 tỷ đồng.

Năm 2022, Tổ chức Global Vision tiếp tục ký kết Dự án “Thực hiện các hoạt động an sinh xã hội và nâng cao công tác khuyến đọc cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bến Tre” giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến kinh phí thực hiện trên 5 tỷ đồng. Đây là dự án rất ý nghĩa, góp phần phát triển văn hóa đọc cho trẻ em. Trong tương lai, ông còn rất nhiều dự định, kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại Bến Tre.

 Ngoài ra, ông còn liên kết với nhiều tổ chức khác ở Hàn Quốc thực hiện công tác an sinh xã hội, phát triển cộng đồng tại tỉnh. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức Tổ chức Global Vision, ông còn kết nối với các tổ chức phi Chính phủ khác của Hàn quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là chỉ đạo, tạo điều kiện cho Tổ chức Global Vision Việt Nam - cánh tay nối dài của tổ chức Global Vision tích cực tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng tại Bến Tre.

* GS.TS.BS Võ Văn Hà - Trưởng đoàn thiện nguyện Mercer on Mission - Việt Nam: Bước chân nghĩa tình

GS.TS.BS Võ Văn Hà công tác tại Khoa Kỹ thuật Sinh học Y khoa thuộc Trường Đại học Mercer ở Macon, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.

GS.TS.BS Hà là người đi tiên phong trong thiết kế và lắp tay chân giả với kinh phí thấp cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam - quê hương của ông. Chương trình “Mercer On Mission” được GS.TS.BS khởi sự tại Đại học Mercer Hoa Kỳ từ năm 2009, với mục đích là hỗ trợ các bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật của các địa phương, trong đó có Bến Tre, thực hiện kỹ thuật lắp chân tay giả cho những người bị mất chân tay.

Đoàn Thiện nguyện Mercer on Mission - Việt Nam, do GS.TS.BS Hà làm trưởng đoàn, với hàng chục thành viên là các bác sĩ người Mỹ và Việt kiều đang sinh sống và làm việc, học tập tại Mỹ, đặc biệt có những du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Mercer, Hoa Kỳ đã nhiều lần đến Bến Tre thực hiện các cuộc phẫu thuật, lắp tay chân giả. Từ năm 2014 đến trước đại dịch Covid-19, GS.TS.BS Hà cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre tổ chức 17 đợt, gắn 1.751 chân giả, 122 tay giả; khám, điều trị xương khớp và cấp thuốc miễn phí cho 10.026 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, đoàn cũng đã tặng 2.741 phần quà cho người nghèo trong những chuyến công tác tại Bến Tre và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thiện nguyện và điều trị bệnh cho bệnh nhân xương khớp, làm chân tay giả cho người khuyết tật chi đến nay đã trên 22 tỷ đồng.

Trong thời gian làm việc tại Bến Tre, đoàn thiện nguyện Mercer On Mission - Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 bằng khen và được nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt là vào tháng 6-2016, đoàn công tác của GS.TS.BS Võ Văn Hà đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp và làm việc tại Cần Thơ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mà đoàn công tác của các bác sỹ Đại học Mercer đang thực hiện tại Việt Nam.

Giáo sư Charles Ruchalski - Khoa Dược, Trường Đại học Temple (Hoa Kỳ) tâm sự rất xúc động và sâu lắng về những chuyến thiện nguyện tại Bến Tre do đoàn của Giáo sư Võ Văn Hà thực hiện: “Tôi nhận thấy ở Bến Tre, người bệnh có nhu cầu và chúng tôi có thể làm được điều tốt đẹp đó. Người bệnh ở Bến Tre rất kiên nhẫn chờ đợi, không phiền trách. Điều này tạo sức mạnh cho đoàn chúng tôi làm việc tốt hơn. Tiền điều trị xương khớp (kim tiêm, thuốc tê, ống chích) do ông Võ Văn Hà và bà Trịnh Cẩm Tú giúp đỡ bằng tiền gia đình. Các vị phụ huynh và sinh viên 2 Trường Đại học Mercer và Temple gây quỹ hàng chục ngàn USD mua thuốc cấp cho bệnh nhân”.

Học trò, đồng nghiệp của ông nhớ mãi câu nói: “Bất hạnh như vậy, họ vẫn giúp đỡ nhau. Dùng phần lành của mình bù cho phần khuyết của người kia. Còn chúng ta, có đầy đủ mọi thứ, có gì ngăn được chúng ta giúp người khác chứ? Có ý chí, có quyết tâm là chúng ta sẽ làm được”.

Với tình cảm đặc biệt sâu sắc dành cho Bến Tre, mảnh đất sâu nặng tình người, “quê nhà” của vợ ông, cùng với sự gắn bó thân thiết, nghĩa tình với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, cũng như sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân nghèo, khuyết tật, GS.TS.BS Võ Văn Hà - người Việt Nam thành đạt xa xứ ấy sẽ tiếp tục hành trình chữa lành những khiếm khuyết thân thể, kết nối những bước chân nghĩa tình không biên giới trên quê hương Đồng khởi.

Ngọc Thi - Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN