Gầy dựng thương hiệu từ bán lẻ cây giống

24/03/2009 - 16:09
Triển lãm sản phẩm để bán cây giống, tại Hội thi trái ngon, an toàn huyện Chợ Lách.Ảnh: KT

Ở Chợ Lách hiện nay có hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống nằm rải rác ở mặt tiền của quốc lộ 57.

Hầu hết, những cơ sở kinh doanh cây giống ở đây đều cung cấp theo đơn đặt hàng hoặc “chờ thời”, nghĩa là đợi dịp có hội chợ cây giống ở cấp khu vực để quảng bá sản phẩm của mình và chiếm lĩnh thị phần, coi như một cách tiếp thị có tổ chức. Nhưng, ở xã Phú Phụng, Chợ Lách, cơ sở cây giống Lê Văn Cung có một “chiến lược” kinh doanh khá mới mà rất hiệu quả, đó là bán lẻ cây giống.

Tốt nghiệp cấp ba năm 1990 với loại khá giỏi, nhưng Cung không chọn cho mình một trường đại học nào đó để thi vào mà về nhà... cưới vợ! Gia đình chia cho Cung bốn công ruộng để ra riêng ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình. Gian nan với mấy công ruộng thời tập đoàn mới tan rã, Cung đánh liều phá ruộng lên liếp trồng nhãn long. Cung là một trong những người đầu tiên dám bứt phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ba năm sau, nhãn long thịnh hành cũng là lúc vườn nhãn nhà Cung vào mùa thu hoạch, Cung “hốt” bạc triệu. Tích lũy, Cung mua thêm hai công ruộng liền kề, cũng lên liếp nhưng không trồng nhãn long mà trồng nhãn da bò. Sự đón đầu thị trường, khiến Cung vẫn trụ được khi nhãn long “hết thời”, nhãn da bò lên hương. Cứ vậy, cho đến lúc họ nhà nhãn xuống dốc thê thảm thì đốn bỏ tất cả để trồng xoài tứ quí. (Loại cây đột biến gien này vẫn còn đang tranh cãi về xuất xứ của cây đầu dòng).

Đến đây thì Cung bắt đầu chuyển hướng, vừa đầu tư chăm sóc cho vườn xoài của mình, vừa tháp cây bán giống. Thăng trầm với sự biến động của thị trường cây giống một thời gian, Cung nghiệm ra một điều: Thời điểm này không nên chạy theo thị trường mà cứ “bám” vào một loại cây nào đó để chờ ngày qui luật cung cầu xoay mãi cũng trở về điểm xuất phát. Không sai, xoài tứ quí có lúc bị thị trường “đánh” tơi bời cho đến lúc người nông dân nhận ra giá trị của nó, khi chính nó đã tự điều chỉnh nghịch mùa bằng tính chất sinh học của nó. Những người bỏ cuộc muốn quay lại đầu tư cho cây xoài tứ quí thì đã muộn. Còn Cung, sự nhạy cảm thị trường một lần nữa giúp anh làm giàu.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2008, Cung đầu tư gần một trăm triệu để thành lập cơ sở cây giống ở xã Phú Phụng. Trại cây của anh chủ lực vẫn là cây xoài tứ quí, ngoài ra còn măng cụt, xoài, ổi, dừa, vú sữa... Cung tâm sự: Ban đầu thì mình cũng “chờ thời” như những đồng nghiệp khác, cứ mùa nào đầu tư cho loại cây ấy như rớt mưa xuống thì giao xoài, dừa ở các tỉnh miền Đông và miền Trung hoặc thỉnh thoảng mới giao mận An Phước, xoài tứ quí theo dự án khuyến nông của tỉnh cho các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Thạnh Phú... Sống được, nhưng kinh doanh theo kiểu “cổ điển” này thì khó mà cạnh tranh được với cơ sở cây giống lớn. Một lần, có ông bạn ở Bình Hòa Phước (Long Hồ - Vĩnh Long)  ghé chỗ mình, anh ta mua ba chục cây xoài và đòi mình phải... chở tới nhà! Bực mình, vì xưa nay mình chỉ giao hàng ngàn, hàng chục ngàn, ai đi bán lẻ mấy chục cây mà còn chở tới chỗ! Nghĩ tình bạn, mình xách xe Honda chở cây về nhà bạn. Không ngờ, những người ở địa phương thấy tiện lợi cho họ, họ đặt mình năm, bảy chục cây đủ loại. Và, cái “ý tưởng” bán lẻ cây giống xuất phát từ đó.

Hiện nay, ngày nào Cung cũng có mối để giao cây giống ở khắp các xã của huyện Long Hồ và ngày càng phát triển địa bàn bởi tác động dây chuyền. Cực, nhưng như Cung nói, mỗi ngày Cung giao năm, bảy trăm cây giống, cao điểm có lúc lên đến hàng ngàn cây. Đầu ra thuận lợi vì người này thấy tiện ích, hỏi số điện thoại gọi đặt cây. Ít thôi nhưng so với trước đây, Cung đã hình thành được thương hiệu vững chắc trên thị trường bán lẻ cây giống.

Nhìn Cung tất bật với công việc, cũng đủ biết việc kinh doanh của Cung đang ở chiều hướng phát triển tốt. Cung không cho biết thu nhập chính thức của mình trong một năm, mà chỉ nói, đại loại: Gần một năm kinh doanh theo kiểu bán lẻ, anh đã thu hồi được vốn đầu tư và tiềm năng của nó là vô hạn.

Ngọc Vinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích