 |
Các thành viên trong Tổ tham quan vườn trồng dưa leo của ông Thoại. |
Xã Tân Thủy (Ba Tri) có tổng diện tích gieo trồng cây màu và thực phẩm là 412ha. Việc sản xuất riêng lẻ, manh mún nên người nông dân sản xuất dựa vào kinh nghiệm của mình, tự quyết định trồng loại rau màu nào. Giá sản phẩm hầu như do thương lái quyết định.
Xuất phát từ những thực tế trên, xã đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn thành lập mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Sau khi thành lập, Tổ bầu ra Ban điều hành và xây dựng quy chế hoạt động riêng để các thành viên thực hiện. Tổ hợp tác có quy mô 3ha, 30 thành viên, cây chủ lực của Tổ là hành tím được tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Bình.
Ông Nguyễn Hữu Thoại - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Những thành viên tham gia đều có kinh nghiệm lâu năm trong trồng rau màu, nhưng chưa đủ tự tin để hướng dẫn những người mới vào nghề. Sau khi tham gia Tổ hợp tác, được tập huấn về kỹ thuật trồng, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể những người có kinh nghiệm trong Tổ đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong Tổ và bà con hàng xóm.
Diện tích đất trồng của mỗi thành viên trong Tổ từ 1.000-4.000m2. Với ưu thế đất cát pha, trồng được quanh năm các loại rau ăn lá như xà lách, cải ngọt, cải xanh, ngò; cây lấy trái: ớt, cà chua và cây lấy củ: hành tím. Hành tím được trồng vào tháng 9-10 âm lịch, thời gian thu hoạch từ tháng 11-12 âm lịch. Nhiều thành viên trong Tổ đã áp dụng trồng xen ớt hoặc cà chua trong hành tím để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng tháng, các thành viên trong Tổ sinh hoạt một lần. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm và phòng bệnh cây trồng, thông tin thị trường, các thành viên luôn nhắc nhở nhau phải tuân thủ nội quy chung là sử dụng phân thuốc đúng thời gian cách ly, rau quả tưới xong chờ hết đạm mới hái để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, nhiều nông dân trong Tổ đạt vụ mùa bội thu. Ông Nguyễn Hữu Thoại canh tác 4.000m2 sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn hơn 70 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Bì canh tác 1.000m2 trừ hết chi phí còn 20 triệu đồng.
Ông Thoại cho biết thêm: Từ khi thành lập Tổ đến nay, quan hệ giữa các thành viên trong Tổ gắn bó, giúp đỡ, cũng như liên kết về mọi mặt, từ đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm. Đời sống các thành viên được cải thiện, mọi người bám đất, bám làng, vui sống để kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Bì, thành viên của Tổ, bộc bạch: Khi tham gia Tổ, được anh em hướng dẫn, ông trồng rau màu thấy an tâm hơn. Nhờ vậy, sản lượng thu nhập cũng tăng lên.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã: Mặc dù mới thành lập nhưng Tổ hợp tác đã đạt được nhiều kết quả cao. Hiện nay, xã đang tiến hành thành lập thêm 2 tổ hợp tác nữa để tạo điều kiện cho bà con trong xã cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn: chưa tìm được đầu ra, giá nông sản hầu như do thương lái quyết định, nền đất không đồng đều, xuống vụ thiếu tập trung, khó quản lý sâu bệnh, thời tiết thay đổi bất thường, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, bệnh hại xảy ra thường xuyên. Địa phương đang rất cần ngành chức năng hỗ trợ, giúp người dân tháo gỡ những khó khăn trên.