Gạo được bày bán tại khu chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều này làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối những năm 2000, đồng thời tiếp tục gây sức ép lạm phát đối với cuộc sống người dân và quá trình hoạch định chính sách của các nước.
Tại Philippines, tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 vừa qua là 4,1%, chủ yếu do giá gạo tăng. Tại Ấn Độ, lạm phát trong tháng 11 vẫn ở mức cao 5,6%, trong đó, giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm tăng 3,7% - chiếm khoảng 70% mức tăng chung. Chỉ riêng giá gạo đã tăng 0,5%.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi coi giảm giá gạo là ưu tiên cấp bách hiện nay, đồng thời ưu tiên việc đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, không để cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trước thềm cuộc tổng tuyển cử, dự kiến từ tháng 4 đến tháng 5/2024.
Tình hình tương tự ở Indonesia trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 2-2024. Theo nhà kinh tế trưởng Toru Nishihama thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, Indonesia có thể cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp ưu tiên nguồn cung gạo cho thị trường trong nước để đảm bảo an ninh lương thực.
Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo "nhảy múa" là do sản lượng thu hoạch giảm liên quan tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan. Ngoài ra, giá gạo trên thị trường quốc tế có xu hướng biến động mạnh do chỉ khoảng 10% sản lượng gạo toàn cầu được xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng đến một số nước phụ thuộc vào gạo nhập khẩu như Philippines.
Một số ý kiến chuyên gia nhận định giá gạo khó có thể sớm "hạ nhiệt", làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực thực phẩm như đã từng xảy ra vào cuối những năm 2000. Trong bối cảnh này, nhiều công ty xuất khẩu gạo trong khu vực muốn ưu tiên thị trường trong nước hơn là xuất khẩu.
Tại một số nước châu Á, lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc, song riêng giá gạo và một số mặt hàng lương thực - thực phẩm vẫn tăng. Với tình hình như vậy, đời sống của một bộ phận người dân vẫn chịu ảnh hưởng. Ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, chi tiêu cho gạo nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung chiếm từ 30% - 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với mức từ khoảng 10% - 20% ở các nước phát triển.
Ngoài ra, giá cả tăng cao cũng ảnh hưởng đến các quyết định ra chính sách của chính phủ. Trước tình hình lạm phát, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng trung ương Philippines đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% lên mức 6,5%. Khi áp lực lạm phát vẫn âm ỉ, chính phủ các nước châu Á vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai các chính sách nhằm cân bằng giữa nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức