Dây chuyền bao gói sản phẩm nước dừa hữu cơ sản xuất tại Bến Tre. Ảnh: Đặng Cử
Từ khâu sơ chế
Giá trị gia tăng của hộ nông dân trồng dừa đối với 1.000 trái dừa có hạch toán doanh thu đạt từ 4,45 - 6,47 triệu đồng/1.000 trái dừa; chi phí trung gian chiếm 9 - 10% (chủ yếu phân bón chiếm 94 - 96%); giá trị gia tăng chiếm 89 - 91% doanh thu vào khoảng 3.977 - 5.886 đồng (giá ở thời điểm giám sát). Ở mức độ tổng quát, cho thấy việc nông hộ bán sản phẩm dừa trái khô tạo ra giá trị gia tăng cao hơn gấp 1,48 lần so với dừa trái tươi, chủ yếu do giá bán dừa trái khô cao gấp 1,4 lần so với bán dừa trái tươi, nhưng chi phí trung gian lại chỉ cao hơn 1,2 lần.
Giá trị gia tăng của hộ thu gom dừa trái tươi (cấp 1) đạt doanh thu khoảng 5,1 triệu đồng/1.000 trái dừa, ở khâu này có giá trị gia tăng 692 ngàn đồng, chiếm 13,49% doanh thu; trong khi đó, doanh thu thu gom dừa trái tươi (cấp 2) 6,3 triệu đồng/1.000 trái dừa với giá trị gia tăng chiếm 17,09% doanh thu tương đương 1.070.000 đồng. Doanh thu của hộ thu gom dừa khô 7,3 triệu đồng/1.000 trái dừa và tại khâu này giá trị gia tăng chiếm 12,7% doanh thu tương ứng 934.000 đồng.
Doanh thu trung bình ở các cơ sở sơ chế 1.000 trái dừa là 8,44 triệu đồng, giá trị gia tăng chiếm 23,95% doanh thu khoảng 2.020.720 đồng; trong khi, doanh thu bán dừa khô lột vỏ để xuất khẩu 8,75 triệu đồng/1.000 trái dừa với giá trị gia tăng chiếm 26,86% doanh thu khoảng 2.350.000 đồng. Việc bán dừa trái để xuất khẩu tuy có lợi nhuận cao hơn bán cho chế biến nhưng sẽ không tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng.
Đến công đoạn chế biến
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ về khối lượng của các sản phẩm chế biến thô từ dừa/1.000 trái dừa thu được các thành phẩm, gồm 378kg cơm dừa trắng, 270 lít nước dừa, 200kg gáo dừa, 1.000 cái vỏ dừa và 48kg vỏ lụa.
Doanh thu sản xuất 1 tấn cơm dừa nạo sấy 44,8 triệu đồng/tấn tạo lập giá trị gia tăng chiếm 28,5% khoảng 12.790.000 đồng, còn doanh thu sản xuất 1 tấn chỉ xơ dừa 5,4 triệu đồng (3,5 triệu đồng tiền xơ dừa thành phẩm - sản phẩm chính và 1,9 triệu đồng tiền mụn dừa - sản phẩm phụ) cũng kịp tạo ra giá trị gia tăng chiếm 24,1% doanh thu có trị giá 1.308.500 đồng.
Trong khi doanh thu sản xuất 1 tấn than thiêu kết khoảng 7,2 triệu đồng/tấn có giá trị gia tăng chiếm 18,1% doanh thu tương ứng 1.301.100 đồng. Đối với công đoạn sản xuất than hoạt tính, doanh thu đạt 34,67 triệu đồng/tấn tạo ra được giá trị gia tăng cao chiếm đến 57,4% doanh thu ứng với 19.900.300 đồng. Riêng doanh thu sản xuất 1 tấn thạch dừa thành phẩm 8 triệu đồng/tấn đã hình thành giá trị gia tăng chiếm 45,5% doanh thu có giá trị 3.638.000 đồng.
Đặng Văn Cử