Đảng, Nhà nước xác định công tác tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về an nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với các thế hệ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đó được Đảng, Chính phủ đã và đang giao cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện, được cả xã hội đồng tình và phù hợp với nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có trên 1 triệu liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến trên toàn quốc, trong đó có khoảng trên 800 ngàn là quân nhân. Cả nước có 2.908 nghĩa trang, quản lý hơn 900 ngàn mộ liệt sĩ, còn hơn 100 ngàn mộ do thân nhân liệt sĩ tự quản lý. Trong tổng số liệt sĩ, còn 350 ngàn mộ chưa xác định được thông tin (khuyết danh) và 300 ngàn hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy.
Bộ đội luyện tập tại thao trường. Ảnh: P.V
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu nên chỉ huy các quân khu, mặt trận, chiến trường có thẩm quyền thành lập, điều chuyển và giải thể các cơ quan, đơn vị thuộc quyền; quy định phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị riêng để giữ bí mật. Mặt khác, địa bàn hoạt động của các đơn vị cũng thường xuyên thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ, các thông tin về phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị quân đội chưa được thống kê, đăng ký, hoặc có đăng ký nhưng chưa đầy đủ, chi tiết; hồ sơ tài liệu còn phân tán, rải rác, có trường hợp bị thất lạc. Các thông tin trong hồ sơ quân nhân, hồ sơ liệt sĩ ghi theo phiên hiệu, ký hiệu quy định trong chiến tranh nên gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cho các đối tượng là thân nhân liệt sĩ, thương binh và các cơ quan chức năng khi giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, đặc biệt là công tác quy tập mộ liệt sĩ.
Để có cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin phục vụ giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác quy tập mộ liệt sĩ theo kế hoạch của Chính phủ, ngày 22-3-2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị 07/CT-BQP về việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị được hiểu là việc tìm kiếm, thu thập, tra cứu để biết các thông tin về: ký hiệu, phiên hiệu, hòm thư; địa điểm đóng quân, địa danh, thời gian xảy ra trận chiến đấu, chiến dịch, mặt trận... của các đơn vị từ cấp đại đội và tương đương trở lên trong chiến tranh. Qua các thông tin thu thập được từ các đối tượng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu như: cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; giải mã các nội dung ghi trên giấy báo tử hoặc thông tin ghi trong hồ sơ quân nhân, để tìm ra tên thực của đơn vị (theo hệ thống tổ chức), địa danh, chiến dịch, mặt trận… mà đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại thời điểm đó, làm cơ sở phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tử sĩ; giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị cần hai loại thông tin: Thông tin cần giải mã và thông tin giải mã. Thông tin cần giải mã là tên phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư, địa danh, thời gian tham gia chiến đấu của đơn vị mà đến nay vẫn chưa xác định được tên thực tại thời điểm đó. Thông tin giải mã là các thông tin thực, có căn cứ (quyết định, qui định) của cấp có thẩm quyền về phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư, địa điểm đóng quân; địa danh, thời gian xảy ra trận chiến đấu (hoặc phối thuộc) chiến đấu tại chiến dịch, mặt trận, chiến khu, chiến trường…; thời điểm sáp nhập, giải thể, điều chuyển, thay đổi phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư… của các đơn vị từ cấp đại đội và tương đương trở lên tính từ khi thành lập đến nay hoặc điều chuyển, giải thể. Công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị được tiến hành theo phương pháp song song: thu thập, cung cấp thông tin cần giải mã và triển khai tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, bắt đầu từ nay đến hết tháng 12 năm 2013. Tổng hợp, quản lý, in thành sách lưu trữ tại các cơ quan chức năng để khai thác, phục vụ công tác giải quyết chính sách tồn đọng; quy tập mộ liệt sĩ; tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã và đang phối hợp cùng với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông và Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong các thời kỳ chiến tranh (chống Mỹ, chống Pháp, bảo vệ biên giới Tây - Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia) và vận động các đối tượng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hưởng ứng thực hiện. Chấp hành nghiêm Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Kế hoạch, Hướng dẫn của Bộ Tham mưu Quân khu; phát huy truyền thống hai lần anh hùng, lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị góp phần giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, đẩy nhanh tiến độ quy tập mộ liệt sĩ theo kế hoạch của Chính phủ; thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các thế hệ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Thông tin cần giải mã và thông tin giải mã được thu thập từ thân nhân gia đình liệt sĩ, tử sĩ; cựu chiến binh, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… qua Ban Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn hoặc qua số điện thoại: (075).6250555. |