Giải Nobel hòa bình bị dính "lời nguyển"

15/10/2007 - 10:02

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev - Ảnh: Wiki

Giải Nobel hòa bình là một trong những giải thưởng danh giá và đáng thèm muốn nhất trên thế giới. Những người đoạt giải được vinh dự trở thành thành viên “câu lạc bộ tinh hoa” gồm các chính khách nổi tiếng, những nhà hoạt động… có tầm ảnh hưởng rộng lớn

Tuy nhiên, theo Hãng tin Truyền thanh công chúng quốc gia (NPR - Mỹ), đó cũng là câu lạc bộ “bị nguyền rủa”.


Giải Nobel Hòa bình 2007: Nhìn nhận nỗ lực chống thay đổi khí hậu

Phía sau vinh quang là... tai ương?

Nói như vậy, theo NPR, là bởi rất nhiều nhân vật lỗi lạc từng đoạt giải Nobel hòa bình khi đang trên đỉnh vinh quang đột nhiên gặp tai ương: danh tiếng bị hủy hoại, sự nghiệp bị chôn vùi, thậm chí bị ám sát, hay đơn giản hơn là trở nên nhạt nhòa đến mức mất hút trong con mắt của công chúng. Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev là một ví dụ điển hình. Ông đoạt giải Nobel hòa bình vào năm 1990 “vì vai trò dẫn đầu trong tiến trình hòa bình ngày nay là phần quan trọng trong cộng đồng quốc tế”. Chỉ một năm sau, chế độ xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô tan rã.


Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kofi Annan nhận giải năm 2001 nhờ nỗ lực cho một thế giới hòa bình và có tổ chức hơn. Đến năm 2004, vụ xìcăngđan tham nhũng trong chương trình “đổi dầu lấy lương thực” giữa LHQ và Iraq bùng phát. Ủy ban điều tra LHQ không phát hiện bằng chứng cho thấy ông Annan dính líu đến hành động bất hợp pháp nào, nhưng danh tiếng của ông đã bị hủy hoại đến mức mà theo nhiều nhà quan sát bình luận là “không thể vãn hồi”.

Ngay cả Mẹ Teresa, người phụ nữ nhân hậu dành 40 năm đời mình chăm sóc người nghèo đói, bệnh tật tại Kolkata (Ấn Độ) cũng chịu chung số phận. Danh tiếng thuần khiết như một vị thánh của bà bị ảnh hưởng nặng nề khi một cuốn sách mới đây công bố những bức thư của bà, tiết lộ thân phận một người phụ nữ vật lộn với những nghi ngờ và trống rỗng về tôn giáo trong suốt một thời gian dài.


Kết cuộc của nhiều nhân vật từng đoạt giải Nobel hòa bình khác còn tồi tệ hơn. Nhà hoạt động nhân quyền người Myanmar Aung San Suu Kyi được vinh danh năm 1991, và từ đó đến nay bị chính quyền quân sự giam giữ tại gia. Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế giới Ả Rập, và ông Yitzhak Rabin, thủ tướng Israel đầu tiên sinh tại quê hương, đều bị ám sát chỉ một năm sau khi nhận giải.


Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN