Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Phê- Chủ tịch UBND huyện về những giải pháp trong năm 2009, năm quyết định cho việc hoàn thành NQ đại hội lần thứ IX của huyện:
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã xây dựng nghị quyết (NQ) chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí có thể cho biết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện NQ?
- Với diện tích 24,5 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 78% tổng diện tích đất tự nhiên) bao gồm các loại cây trồng chủ yếu như: dừa 12.000 ha (có 900 ha ca cao xen dừa), cây ăn quả 5.070 ha, lúa 4.136 ha, mía 2.500 ha. Do có sự tập trung đầu tư về giống, công tác khuyến nông nên năng suất, sản lượng đạt chỉ tiêu nghị quyết; chất lượng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bên cạnh phát triển trồng trọt, huyện có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, đặc biệt là bước đầu khai thác mặt nước ven sông Hàm Luông để nuôi cá da trơn xuất khẩu. Đến nay đàn heo của huyện 59.000 con, đàn bò 20.000 con, gia cầm 800.000 con; diện tích nuôi thủy sản 1.041 ha ( có 100 ha nuôi cá da trơn, 450 ha nuôi tôm càng xanh). Mô hình kinh tế trang trại cũng phát triển khá với 105 mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhìn chung, qua nửa nhiệm kỳ tổ chức thực hiện NQ, nông nghiệp huyện có nhiều khởi sắc, nhất là đã định hình được các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai. Với định hướng xác định dừa là cây chủ lực gắn với việc thực hiện thâm canh tổng hợp trong vườn dừa theo hình thức cây ca cao hay cây có múi xen dừa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt, đã tạo ra mô hình bền vững mang hiệu qủa kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng dừa chuyên. Đồng thời do làm tốt công tác đầu tư giống, kỹ thuật nên cây mía, cây lúa năng suất, sản lượng, chất lượng có sự chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân canh tác 2 loại cây trồng này.
Đồng chí có thể cho biết những hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện NQ chuyên đề?
- Do điều kiện tự nhiên đặc thù nên huyện không có lĩnh vực đột phá để đẩy nhanh phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, sản xuất còn manh mún và nông dân thiếu sự liên kết, hợp tác theo mô hình “ bốn nhà” nên dễ gặp rủi ro khi thị trường biến động. Hệ thống thủy lợi thời gian qua có đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi Cầu Sập, vùng qui hoạch lúa màu nên ảnh hưởng trong việc phát triển sản xuất, khắc phục ô nhiễm môi trường. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả như luân canh 2 lúa một màu; mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa… chậm có giải pháp nhân rộng; phát triển nuôi cá da trơn nhưng chưa có biện pháp quản lý tốt, từ đó gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh vùng nuôi.
Những hạn chế trên, ngoài nguyên nhân khách quan, huyện cũng đã xác định còn do nguyên nhân chủ quan đó là: một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa kịp thời cụ thể hóa chủ trương, NQ của cấp trên bằng chương trình, kế hoạch để lãnh chỉ đạo thực hiện NQ của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn; đội ngũ cán bộ huyện chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng để làm tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh chỉ đạo công tác này; vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương có lúc còn bất cập và lúng túng, cho nên chưa tạo điều kiện tốt cho sản xuất phát triển (hạn chế chỉ đạo trong phòng chống dịch bệnh, quản lý môi trường, đảm bảo an ninh nông thôn…).
Năm 2009 trên lĩnh vực nông nghiệp huyện sẽ tập trung vào những công việc cụ thể nào thưa đồng chí?
- Phát triển cây dừa đạt 12.300 ha, trong đó 70% diện tích được thực hiện thâm canh tổng hợp, trong đó có thêm 500 ha ca cao xen dừa; cây lúa giữ ổn định 4.100 ha sản xuất lúa chất lượng cao; cây mía 2.200 ha, với 90% sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao.
Cây ăn trái: 5.080 ha, chủ yếu là cây có múi mà chủ lực là chanh và bưởi. Đối với khu vực đất giồng, khuyến khích nông dân phát triển cây màu, sơ ri kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm. Trên lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển đàn bò 22 ngàn con, 100% được sind hóa, đàn heo 66 ngàn con, 100% được nạc hóa, gia cầm từ 800 đến 1 triệu con. Đối với chăn nuôi phải vận động nông dân đảm bảo tốt vệ sinh môi trường, ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh, đảm bảo sản xuất bền vững. Qui hoạch vùng nuôi cá da trơn xuất khẩu sang khu vực sông Hàm Luông với diện tích từ 100 ha, gắn với việc xử lý tốt vấn đề môi trường; diện tích nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa 450 ha, tạo thành mô hình thâm canh tổng hợp mang lại hiệu quả cao.
Trên lĩnh vực phát triển mô hình kinh tế trang trại, mô hình hợp tác kinh tế; củng cố và nâng cao hiệu quả HTX sản xuất lúa giống, HTX tiêu thụ mía; khuyến khích các hình thức liên kết trong sản xuất, nhất là trên lĩnh vực sản xuất cây giống, trồng ca cao, bưởi da xanh để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm.
Những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn?
- Căn cứ vào qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch triển khai rộng rãi, để trên cơ sở đó các ngành, các địa phương xác định rõ vùng sản xuất cho từng loại đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp; qui hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, TTCN, thương mại, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn phát triển hệ thống thủy lợi; phát triển giáo dục, y tế…
Tranh thủ tỉnh tăng cường đầu tư cho các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, để từng bước phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Cầu Sập, thủy lợi cho khu vực chuyển đổi sang cơ cấu 2 lúa 1 màu; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các cơ sở cung ứng giống tốt cho nông dân (quan tâm là giống bưởi, giống ca cao, giống lúa, giống mía); xúc tiến hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo điều kiện cho nông dân ổn định sản xuất và tiêu thụ tốt nông sản. Phối hợp với tỉnh để có giải pháp giải quyết nguồn giống tôm càng xanh, đồng thời vận động nông dân hình thành các tổ hợp tác nuôi cá tra xuất khẩu, phát triển đàn bò phải gắn vùng trồng cỏ, chăn nuôi heo, gia cầm phải gắn với biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả . Huyện xây dựng các đề án hỗ trợ vốn cho việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình trang trại, mô hình nuôi cá da trơn xuất khẩu. Gắn chặt phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường.