Giải pháp nào cho phòng, chống bạo lực gia đình?

10/04/2009 - 12:49

Ai đó đã nói rằng, phụ nữ là đại diện cho cái đẹp, là một nửa của thế giới. Thế nhưng trong “một nửa của thế giới” ấy có rất nhiều số phận éo le và đầy nước mắt, có rất nhiều mảnh đời bị vùi dập, bị đay nghiến bởi nạn bạo lực trong gia đình.

 Ở Việt Nam, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong bao đời qua.

Chịu đựng –  cách tốt nhất để bảo vệ gia đình?

Trong thời đại ngày nay, vai trò của phụ nữ đã dần được thay đổi, song thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp phụ nữ kiếm ra tiền – là nguồn thu nhập chính – nhưng vẫn bị chồng đánh. Có phải chăng, nguyên nhân của tình trạng này là các ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của họ bị đe dọa? Ngay những tháng năm đầu chung sống, chị L. 37 tuổi ở thị trấn Chợ Lách đã sống trong đòn roi, khổ nhục với người chồng rượu chè và vũ phu. Đi làm từ sáng tới chiều tối mới về, chị là người tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình, còn chồng của chị thì vô công rỗi nghề. Ai thuê gì làm đó, không có việc thì ở nhà đi ăn nhậu, say xỉn và hành hạ vợ con. Chị L. kể trong nước mắt: Có lần anh ấy đi nhậu về kiếm chuyện chửi bới, sau đó lấy dao cắt tóc tôi và đem thả trôi sông. Chưa dừng lại ở đó, một lần khác anh ấy đã dùng mỏ-lếch đánh vào đầu tôi chảy máu – vừa nói chị vừa đưa vết sẹo đang còn hằn in trên đầu chị cho chúng tôi xem. Được hỏi vì sao chị không nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương, chị cho biết, nếu như đem chuyện này lên chính quyền mà chồng chị biết, chị sẽ bị “no đòn”. Chị ngậm ngùi: Nhiều lúc tôi cũng muốn thoát ly ra khỏi “địa ngục” ấy nhưng mẹ con tôi biết đi về đâu? Trong suốt hơn 16 năm bị hành hạ, ý chí phản kháng của người phụ nữ vốn yếu đuối, nhu mì như chị dường như bị dập tắt. Nhưng mới đây nhờ Hội Phụ nữ Thị trấn can thiệp, và kết quả là anh chồng phải làm tờ cam kết là không hành hung vợ nữa.

Một trường hợp khác xảy ra tại ấp Bình An (thị trấn Chợ Lách) cũng là trường hợp bạo lực tương tự, nhưng người vợ lại sống lệ thuộc vào kinh tế người chồng. Chị M. 24 tuổi chung sống anh K. được 5 năm và được một mặt con, lúc nào chị cũng nơm nớp nỗi lo không biết “ăn đòn” khi nào. Chị M. kể: Thời gian đầu hai vợ chồng cũng hạnh phúc lắm. Nhưng từ khi sinh đứa con đầu lòng, anh K. bắt đầu giở thói vũ phu với chị vì anh đã có “bồ nhí” bên ngoài. Những khi anh K. đi nhậu về là bắt đầu hành hạ chị. Có lần anh Kh. đã dùng khúc cây đánh vào đầu chị M. tuôn máu, chị bỏ chạy và ngất xỉu trên đường… Sau những lần “say xỉn” như thế thì anh lại năn nỉ, chăm sóc và thuốc thang cho chị nhưng khi có rượu vào thì lại “chứng nào tật đó”.

Những hình ảnh trên cho thấy, chịu đựng không phải là cách tốt nhất để tránh bạo lực gia đình. Phụ nữ phải nhận thức rằng bạo lực là tội ác và người đầu tiên đứng lên tố cáo tội ác ấy không ai khác chính là nạn nhân. Có thể nói, bạo lực gia đình là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật mà nạn nhân thường là phụ nữ và đa số họ luôn nhẫn nhịn cho đến khi được hàng xóm, cơ quan chức năng phát hiện.

“Chiến tranh lạnh” – một hình thức của bạo lực gia đình

Không lời chửi bới, không những trận đòn roi… nhưng cách ruồng rẫy bằng sự  im lặng của người chồng đã gây ra vết thương lòng không thể lành đối với nhiều phụ nữ... và điều này cũng đã vô tình phá vỡ đi mái ấm gia đình mà họ đã cố công gầy dựng.

Chị Ch. 36 tuổi, ấp Sơn Qui (TT Chợ Lách) kể lại lý do buộc chị phải gửi đơn ly hôn: “Đã gần bốn năm nay, chúng tôi vẫn sống chung nhà, nhưng không trò chuyện, việc ai người ấy làm. Anh trở thành một người hoàn toàn khác: lạnh lùng, vô cảm, coi như tôi không hiện diện trong nhà. Từ đó, không khí gia đình trở nên căng thẳng, nặng nề. Sự im lặng, lạnh nhạt đến tàn nhẫn của anh ấy đã giết chết những tình cảm tốt đẹp chúng tôi từng có với nhau”. Chị Ch. cũng đã từng nghĩ đến việc đi làm xa để giải thoát khỏi cảnh sống đó, nhưng lo cho con chịu cảnh bơ vơ, nên chị lại phải ép mình ở lại đây. Chị nói: “Có lẽ giải pháp duy nhất là chúng tôi phải ly hôn… Và giá như anh nói một lời với tôi thì sự việc đã không trở nên như thế này”. Trường hợp chị Ch. cho thấy, sự “im lặng” của người chồng như một thứ “bạo hành câm” đã phá vỡ hạnh phúc gia đình...

Trong các hành vi bạo lực, có thể nói hành vi im lặng – bỏ mặc chồng hoặc vợ là đòn đánh đau nhất và gây hậu quả nặng nề nhất. Loại bạo hành này khó phát hiện vì chúng không để lại “tang chứng, vật chứng” trên cơ thể nạn nhân. Nhưng những vết thương lòng do bạo lực tinh thần gây nên sâu sắc và lâu dài hơn những cơn đau thể xác, có thể khiến nạn nhân bị trầm cảm hoặc bị tâm thần... Đáng lo ngại là bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người vợ hoặc chồng, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Để giải quyết kịp thời và thỏa đáng tình trạng bạo lực gia đình, nhất là trong lĩnh vực bạo hành tinh thần không chỉ đòi hỏi có sự quan tâm của xã hội, mà quan trọng hơn là nhận thức của mỗi cặp vợ chồng và hãy học cách tha thứ.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN