Giải pháp nào để kết thúc “điệp khúc: trồng - đốn, đốn - trồng” trong nông nghiệp?

22/10/2013 - 19:50

Dân số Bến Tre có khoảng 70% là nông dân, nên chuyện muốn thay đổi một tập quán, thói quen trong sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi…) là chuyện không thể một sớm một chiều.

Bởi nhiều bà con rất chân chất, thấy lợi là làm, thấy có yêu cầu là cung cấp. Chính vì lẽ đó, chuyện nay “ùn ùn” trồng cam sành thu hoạch được đôi ba vụ hiệu quả, nhưng cũng không lâu sau đó, khi thấy “mất giá” là tự nhiên người nông dân sẵn sàng chặt bỏ không thương tiếc để “làm lại từ đầu”, trồng một giống cây trồng khác, được cho là “đang hút hàng”. Cứ thế, không riêng cây cam, đến cây dừa, cây chanh…, và nay “đang rộ” là việc chặt bỏ cây ca cao. Biết bao nhiêu công sức (cả tiền của và tâm trí) của nhiều lực lượng (chuyên có, không chuyên có) để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp nhận trồng cây ca cao xen trong vườn dừa; vừa để tận dụng những vuông đất trống, vừa để lấy ngắn nuôi dài, vừa để nâng giá trị của một đơn vị diện tích đất canh tác. Và khi người dân cho rằng “cây ca cao không đem lại giá trị gì” thì họ có quyền đốn bỏ để thay vào một loại cây trồng khác. Ngành chủ quản và chính quyền nói gì trước hiện tượng này?

Cử tri: Phường Phú Tân (TP. Bến Tre) và huyện Mỏ Cày Bắc, xã Long Định (Bình Đại), xã Tân Thanh (Giồng Trôm) đề nghị tỉnh cho biết chủ trương giải quyết như thế nào đối với thực trạng người dân một số huyện trong tỉnh tự đốn bỏ cây ca cao với diện tích lớn do đầu ra của sản phẩm sụt giảm, có xem xét qui hoạch từng vùng cụ thể chuyên trồng cây ca cao không trồng tràn lan như hiện nay; hướng dẫn biện pháp chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất…

- Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Vừa qua, UBND tỉnh có chủ trương khuyến khích trồng ca cao xen trong vườn dừa vì qua khảo nghiệm, khuyến cáo chuyên môn, việc trồng xen cây ca cao trong vườn dừa rất có hiệu quả, có thể nâng thu nhập gấp từ 1,5 đến 2 lần so với vườn dừa độc canh. Mặt khác, ngay từ khi triển khai chương trình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã qui hoạch, xác định vùng trồng cụ thể, gồm Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Châu Thành. Các huyện có mức độ ảnh hưởng mặn nhiều (3 huyện ven biển) chỉ trồng xen trong vườn dừa đã được ngọt hóa, không hướng dẫn trồng tràn lan. Tuy nhiên, thời gian qua do giá ca cao chưa ổn định, có lúc giá xuống quá thấp, trong khi một số nơi trồng xen bưởi da xanh hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một số nơi triển khai việc trồng ca cao không đúng, chạy theo thành tích, phát triển tràn lan… Thực tế, số hộ đốn ca cao chủ yếu do trồng không đúng kỹ thuật, thiếu chăm sóc nên thu nhập không đáng kể. Đối với việc hướng dẫn cách trồng cây ca cao, thời gian qua, cơ quan chủ quản đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn cách trồng rất cụ thể. Và nếu cử tri nào có nhu cầu về lĩnh vực này có thể liên hệ với Phòng NN&PTNT các huyện để được hướng dẫn.

Việc nhân rộng và xây dựng mô hình liên kết đối với cây ca cao là vấn đề tỉnh rất quan tâm và xem là giải pháp quan trọng giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào, thu mua sản phẩm đầu ra… UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổng kết đánh giá để nhân rộng mô hình liên kết, tiếp tục khảo sát đề xuất các giải pháp phù hợp cho cây ca cao, giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất ca cao chứng nhận UTZ…

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN