Giải pháp nào giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững?

23/12/2013 - 08:12

Cử tri huyện Bình Đại nêu ý kiến và kiến nghị chính quyền địa phương về giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp đạt kết quả và bền vững. Thực tế, thời gian qua khi chính quyền vận động và tuyên truyền, người dân đã nhiệt tình tham gia thực hiện việc trồng ca cao xen trong vườn dừa.

Tuy nhiên, thực tế sau một thời gian thực hiện do thấy cây ca cao trồng xen không mang lại hiệu quả “như mong muốn” nên đã tự ý đốn bỏ loại cây này…; mô hình cánh đồng mẫu, phát triển đàn bò… 

Ông Trần Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, trả lời: Đầu năm 2013, diện tích trồng ca cao xen vườn dừa của địa phương đạt 331,15ha, trong đó diện tích cho trái là 74ha. Tuy nhiên, do mùa mưa cuối năm 2012 kết thúc sớm, nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn. Hậu quả, một số cây ca cao chậm phát triển nên người dân tự đốn bỏ (diện tích hiện còn 244,26ha/122.497 cây), diện tích cho trái đã tăng lên đạt 101,19ha. Và hiện nay, giá ca cao đang tăng mạnh. Để giúp nông dân giữ vững diện tích và tiếp tục phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, huyện đã phối hợp thành lập 2 câu lạc bộ sản xuất ca cao tại xã Lộc Thuận và Thới Lai và được cấp giấy chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn UTZ để thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ và nhân rộng mô hình này cho các xã còn lại trong thời gian tới.

 Đối với việc thực hiện “cánh đồng mẫu”, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị có liên quan hỗ trợ xã Châu Hưng thực hiện mô hình này trên vụ lúa Đông - Xuân (70ha) và Hè - Thu (81 ha). Qua thực hiện mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật và được các công ty liên kết hỗ trợ, cung ứng kịp thời vật tư nông nghiệp, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lúa đạt từ 50 đến 55 tạ/ha (tăng 10-15 tạ/ha so với năm 2012). Đối với cây mía, niên vụ 2012-2013, toàn huyện có 585,22ha trồng mía (đạt 83,6% kế hoạch), so cùng kỳ giảm 78,14ha (do dừa trồng xen mía đã tới thời kỳ khép tán, nông dân không trồng mía tiếp, giá mía thấp), năng suất bình quân ước 80 tấn/ha. Niên vụ mía 2013-2014, diện tích mía còn 525,1ha, huyện phối hợp triển khai mô hình “cánh đồng mẫu sản xuất mía theo hướng liên kết 4 nhà thực hiện chuỗi giá trị” tại xã Phú Long (133,5ha). Thông qua mô hình này, bước đầu giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phân bón, hợp đồng tiêu thụ…, đồng thời đã đề nghị hỗ trợ giống mía.

Riêng về việc phát triển đàn bò, năm 2013, tình hình chăn nuôi gia súc tại địa phương tương đối ổn định, đàn bò được khôi phục và phát triển, hiện có 4.993 con (tăng trên 600 so với năm 2012). Để giúp nông dân có vốn phát triển đàn bò, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn các xã khảo sát các hộ dân có nhu cầu vay vốn để nuôi bò. Kết quả, có 1.083 hộ/16 xã đăng ký vay vốn nuôi 1.858 con bò. Các xã đã lập danh sách gửi Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Đại thẩm định, xem xét giải quyết theo qui định. Hướng tới, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn các xã thực hiện chương trình phát triển đàn bò theo Dự án của Hội Nông dân tỉnh trong năm 2014.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN