3.3. Bảo quản sản phẩm:
- Kho chứa phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại, không thấm dột.
- Thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường phải được xếp ngay ngắn trên pallet cao tối thiểu 10cm. Thức ăn phải được xếp theo từng mã số riêng biệt.
- Tất cả các loại thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường phải xếp cách tường (vạch) ít nhất 10cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập.
- Xuất nhập thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường theo nguyên tắc “vào trước - ra trước”.
- Thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường khi sử dụng không hết trong 1 lần phải được đóng nắp hoặc cột thật kỹ và để đúng nơi qui định trong kho.
- Tất cả thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường trong kho phải có nhãn.
- Tất cả thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường đã sử dụng cần ghi vào hồ sơ để theo dõi.
3.4. Sử dụng thức ăn, thuốc thú y và chất xử lý môi trường:
* Sử dụng thức ăn:
- Kích cỡ thức ăn phải phù hợp theo từng giai đoạn của thủy sản nuôi.
- Cách điều chỉnh lượng thức ăn dựa vào lượng thức ăn từng bữa cho ăn tương ứng của ngày hôm trước và bữa cho ăn trước để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Ngoài ra, trong quá trình cho ăn, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi và sự biến động của các yếu tố môi trường, thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Để giúp thủy sản sinh trưởng tốt và tăng sức đề kháng, nên định kỳ bổ sung các loại vi lượng cần thiết.
- Dụng cụ cho ăn sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch và để khô.
* Sử dụng thuốc thú y và chất xử lý môi trường:
- Xác định đúng nguyên nhân, mục đích trước khi sử dụng sản phẩm.
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh, chất xử lý môi trường khi thật cần thiết. Không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh nhằm tránh hiện tượng kháng thuốc xảy ra.
- Khi sử dụng các sản phẩm có thành phần là các chất hạn chế sử dụng phải tuân theo hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
II. Kiểm soát sự nhiễm chéo:
- Tất cả mọi người phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với ao nuôi.
- Các ao nuôi phải có dụng cụ riêng, sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch và bảo quản đúng nơi quy định.
- Những thiết bị dùng chung (như thiết bị đo yếu tố môi trường...) không được nhúng trực tiếp xuống ao mà phải dùng dụng cụ riêng của từng ao múc nước lên để kiểm tra, nước sau khi kiểm tra được đổ ra kênh thoát.
- Không được làm bắn nước từ ao này sang ao khác, không được di chuyển thủy sản từ ao này sang ao khác.
- Không để gia súc, gia cầm xâm nhập vào khu vực nuôi.
- Thủy sản chết phải được thu gom và xử lý cách xa khu vực nuôi.
- Hạn chế dịch hại ăn thủy sản xâm nhập vào khu vực nuôi.
- Hàng ngày kiểm tra sự rò rỉ nước của bờ ao.
III. Giám sát sức khỏe thủy sản nuôi:
1. Giám sát hằng ngày:
- Hàng ngày kiểm tra hoạt động của thủy sản, đặc biệt vào ban đêm và những lúc thời tiết thay đổi bất thường.
- Tiến hành ngay các biện pháp xử lý phù hợp (điều chỉnh môi trường, thức ăn hoặc kiểm tra chính xác tác nhân gây bệnh cho thủy sản) khi phát hiện thấy sự bất thường xảy ra trên thủy sản đang nuôi.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh (nếu có xuất hiện bệnh).
2. Giám sát định kỳ:
- Đánh giá sự sinh trưởng, tỷ lệ sống… của thủy sản (ít nhất 1 tuần/lần): dùng chài bắt ngẫu nhiên tại nhiều điểm trong ao.
- Giám sát định kỳ kết hợp với giám sát hàng ngày để có đánh giá kỹ hơn về tình hình sức khỏe, bệnh thủy sản…
- Định kỳ (ít nhất 2 tuần/lần hay khi nghi ngờ) lấy mẫu kiểm tra bệnh trên thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp.
3. Kiểm tra tăng cường tình hình sức khỏe thủy sản trong những tình huống sau:
Thủy sản giảm ăn; bơi lờ đờ, nổi lên mặt ao hoặc bơi xung quanh ao; sau khi trời mưa to; những ngày trời âm u; nhiệt độ thấp; chất lượng nước xấu.
B. AN TOÀN MÔI TRƯỜNG:
I. An toàn môi trường bên ngoài:
Đảm bảo chất thải (rắn, lỏng) trong quá trình nuôi không tác động xấu đến môi trường xung quanh.
1. Bùn đáy ao:
Bùn đáy ao được bơm vào ao (khu vực) chứa bùn cho tự phân hủy, tuyệt đối không được bơm bùn lên bờ ao hay bơm trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
(Còn tiếp)