Giao lưu giữa cán bộ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh các thời kỳ với nhân dân vùng căn cứ tỉnh Bến Tre

13/01/2023 - 14:18

BDK.VN - Sáng 13-1-2022, tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, huyện Mỏ Cày Bắc, Ban Thường vụ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu với nhân dân vùng căn cứ tỉnh Bến Tre.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến trao quà cho các gia đình tham gia tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến trao quà cho các gia đình tham gia tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Tham dự có nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến; Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo chính quyền địa phương và xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc), An Phước, Phước Thạnh, Tam Phước (Châu Thành).

Nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy - Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn Bến Tre. Cách đây 55 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã bất ngờ nỗ ra toàn miền Nam, giáng trận đòn quyết liệt vào âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Cùng với nhiều hình thức khác ở Nam Bộ, từ năm 1965, vùng căn cứ của Bến Tre gồm các xã: Phước Thạnh, Song Phước là nơi hoạt động sôi động của Khu đoàn Sài Gia - Gia Định với lớp huấn luyện, các hoạt động chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dây mùa xuân Mậu Thân 1968. Những “Đêm không ngủ ở căn cứ rừng dừa” Phước Thạnh đã nhịp bước song hành với phong trào đấu tranh ở đô thị Sài Gòn. Tất cả thành một làn sóng dồn dập, mạnh mẽ, liên tục nhấn chìm quân cướp nước.

Thực hiện Nghị quyết Quang Trung, từ năm 1968, phong trào đấu tranh của tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định càng mạnh mẽ, quyết liệt để cùng dân tộc dần tiến đến cú đấm lịch sử năm 1975. Nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi, hừng hực khí thế tuổi trẻ đó là đêm hội Quang Trung rực lửa, là những cuộc xuống đường của học sinh các trường Cao Thắng, Petrus Ký, Gia Long, là các hoạt động vũ trang tuyên truyền, vũ trang biệt động; các “trạm” giao liên được nghi trang từ tiệm tạp hóa, nhà in công khai đến gia đình cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ cốt cán của phong trào học sinh, sinh viên. Đặc biệt, là các hoạt động huấn luyện, đào tạo diễn ra tại các vùng căn cứ như Bến Tre.

Trao quà cho lãnh đạo các xã tham gia phong trào đoàn năm xưa.

Trao quà cho lãnh đạo các xã tham gia phong trào đoàn năm xưa.

Tại chương trình, Ban tổ chức cũng đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trao quà cho các xã, các cán bộ Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh tham gia cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, các gia đình chính sách của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN