Giáo viên trẻ làm mới những “khuôn mẫu”

14/11/2022 - 05:42

BDK - Đó là cô Nguyễn Thị Diễm Phúc (sinh năm 1992), giáo viên Trường Tiểu học Long Định (huyện Bình Đại). Hơn 9 năm theo nghề giáo là chừng ấy thời gian cô giáo trẻ mày mò nghiên cứu, học tập, đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy để nâng cao chất lượng dạy học.

Cô Nguyễn Thị Diễm Phúc trong giờ lên lớp. Ảnh: CTV

Cô Nguyễn Thị Diễm Phúc trong giờ lên lớp. Ảnh: CTV

Đổi mới “khuôn mẫu”

Năm 2013, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, Diễm Phúc về nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Long Định. Trong suốt thời gian công tác, cô giáo trẻ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích được đơn vị, UBND huyện khen tặng. Mới đây, Diễm Phúc vinh dự nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với thành tích trong thực hiện thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021-2022.

Nhiều người quan niệm, giáo viên là nghề của những “khuôn mẫu”, một giáo án  năm này qua năm khác, thì với Diễm Phúc mỗi năm đứng trên bục giảng là phải làm mới “khuôn mẫu” đó. Đặc biệt, khi triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô giáo trẻ luôn đầu tư từng tiết dạy. Diễm Phúc chú trọng vào việc thiết kế bài giảng làm sao cho sinh động, hấp dẫn để thu hút học sinh tích cực tham gia học tập.

Đối với hoạt động khởi động, Diễm Phúc thường bắt đầu là một trò chơi hay một bài hát vui nhộn. Từ đó, đưa ra tình huống dẫn dắt các em vào bài mới. Nhờ vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp dạy học sáng tạo, Diễm Phúc phân loại từng đối tượng học sinh để kịp thời có phương pháp giảng dạy, giáo dục phù hợp.

Chia sẻ về việc dạy học của bản thân, Diễm Phúc cho biết: “Qua các lần thao giảng chuyên đề cấp trường, cấp huyện, tôi học được cách xây dựng bài học thành một câu chuyện hoặc trong bài học có một nhân vật mà các em yêu thích cùng đồng hành. Đặc biệt quan trọng, vận dụng nội dung bài học với liên hệ thực tế. Cho các em trải nghiệm giúp các em thêm hiểu biết về kỹ năng trong cuộc sống, thích sáng tạo, cảm thấy vui vẻ hơn trong giờ học, tự tin trình bày trước lớp và tạo thêm động lực để các em nỗ lực trong học tập”.

Với vai trò người hướng dẫn, gợi mở, Diễm Phúc dạy học theo nhóm góp phần hình thành và phát triển các mối quan hệ qua lại trong học sinh, đem lại bầu không khí đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập. Trong môi trường học tập thoải mái, học sinh phát huy hết khả năng của mình. Kết quả các năm học, 100% học sinh lên lớp và tỷ lệ học sinh được khen thưởng đạt trên 30%.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, Diễm Phúc tích cực tham gia các phong trào và hội thi do ngành GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Thầy Võ Minh Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đồn (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại), nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Định đánh giá: “Trong quá trình công tác, cô Diễm Phúc luôn đi đầu trong mọi phong trào của ngành cho đến phong trào của địa phương. Cô chịu khó, biết tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng lực của bản thân, biết chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ đồng nghiệp, vững chuyên môn và nhạy bén. Đặc biệt, cô Diễm Phúc có tính sáng tạo cao trong phương pháp giảng dạy và thường xuyên áp dụng. Từ đó, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo cho tập thể sư phạm nhà trường”.

Tiên phong ứng dụng công nghệ

Là giáo viên mới đảm nhiệm tổ trưởng chuyên môn khối 1, 2, 3, trong 2 năm học gần đây, Diễm Phúc cảm thấy kinh nghiệm của mình chưa nhiều trong cách quản lý chuyên môn cũng như cách hỗ trợ đồng nghiệp trong việc vận dụng công nghệ thông tin (CNTT). Diễm Phúc cũng không giỏi về tin học, nhưng tự nhận thức được tầm quan trọng của CNTT “nếu mình không học hỏi chắc chắn bị tụt hậu thì làm sao đảm nhận được trách nhiệm được giao”.

Từ suy nghĩ đó, Diễm Phúc đã mày mò tự học trên Google, trên Youtube các phần mềm Word, Excel và nhất là Powerpoint. Nhờ đó, trong công tác quản lý tổ chuyên môn, cô đã vận dụng CNTT hiệu quả, tập huấn cho giáo viên trong việc soạn đề kiểm tra trên phần mềm Azota và Google Forms, sử dụng công cụ Powerpoint với tính năng ghi âm, kết xuất video dạy học để tạo học liệu dạy học, phục vụ tổ chức dạy học trực tuyến, trực tiếp, hướng dẫn cách tạo thư khen gửi cho học sinh... Năm học 2021-2022, kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp của tổ, có 9/11 giáo viên tốt, đạt gần 82%, còn lại khá.

Trong năm học 2021-2022, Diễm Phúc đề xuất giải pháp “Ứng dụng CNTT theo hướng chuyển đổi số vào quản lý tổ chuyên môn ở trường tiểu học” được đánh giá cao và áp dụng hiệu quả tại đơn vị, giúp các tổ trưởng thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số vào quản lý chuyên môn.

“Việc ứng dụng CNTT chia sẻ tài liệu, tư liệu có liên quan đến từng giáo viên trong tổ được bổ sung kịp thời và nhất là thống kê các công việc hàng ngày giúp mỗi cá nhân tiết kiệm được thời gian khoảng 40% so với trước đây. Đến thời điểm hiện tại, 100% giáo viên trong tổ biết ứng dụng CNTT vào trong soạn giảng và dạy học trực tuyến”, thầy Võ Minh Dũng đánh giá.

“Nghề giáo mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những niềm vui, hồi ức đẹp. Hơn hết, hạnh phúc là khi học trò cũ gặp lại, liền chạy ùa tới nắm lấy tay và hỏi: Cô nhớ con không? Còn nhớ có lần gặp lại cậu học trò sau nhiều năm chuyển trường, em ấy nói con luôn nhớ về cô, mỗi lần viết về thầy cô của mình, con luôn tả về cô. Chỉ cần những lời nói như thế cũng khiến tôi thấy hạnh phúc biết bao. Hay được nhận những tấm thiệp, những bức tranh, những lời chúc do chính tay các em học sinh làm cũng đủ tạo thêm động lực để tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo nâng chất lượng giảng dạy”, cô Nguyễn Thị Diễm Phúc bày tỏ.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN