Gieo hạt lành giữa đời

30/07/2013 - 16:18
Anh Nguyễn Thế Thụy đang trò chuyện cùng một giáo dân trong xóm đạo.

Là một trong 9 gia đình đại diện các gia đình ở tỉnh Bến Tre dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc lần thứ II, năm 2013, tại Hà Nội, gia đình người Công giáo Nguyễn Thế Thụy (xã Long Thới - Chợ Lách) còn được chọn để gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhân dịp này.

Sinh trưởng trong một gia đình đạo gốc Công giáo, anh Nguyễn Thế Thụy (sinh năm 1964) từ nhỏ đã được dạy bảo phải sống hiền hòa, hòa nhã với mọi người. Nhớ lời dạy của ông bà, anh Thụy lớn lên trong sự hiền ngoan, được nhiều người quí mến. Trong xóm đạo thuộc Họ đạo Cái Nhum, ai cũng biết anh Thụy, một công dân, một biện sở có lòng nhiệt thành với quê hương, bổn đạo.

Họ đạo Cái Nhum là một xứ đạo có từ lâu đời, số giáo dân hiện khoảng 6.000 người, sống tập trung quanh khu vực Nhà thờ Long Thới. Ngõ vào xóm đạo có tấm bảng đề dòng chữ Mô hình dân vận khéo Xóm đạo bình yên như nhắc nhở mỗi người ý thức giữ gìn sự bình yên của cộng đồng. Con đường vào rợp bóng cây, có những cây thân to, cao vút đã có mặt ở đây song hành cùng sự sống người dân tự bao đời. Trong gian nhà đượm màu thời gian do ông bà ngoại để lại cho anh Thụy, một thế hệ mới lại lớn lên, đó là ba đứa con của anh, gồm: hai trai và một gái. Nhìn bề ngoài, căn nhà có vẻ đơn sơ, hơi cũ kỹ nhưng phía trong, một cuộc sống sôi động diễn ra với đầy ắp tiếng cười giữa vợ chồng, con cái, với tiệm uốn tóc nho nhỏ của người vợ và những dụng cụ làm vườn của người chồng để săn sóc vườn mai vàng.

Khi tìm hiểu về cuộc sống của một gia đình tiêu biểu, chúng tôi luôn thắc mắc đâu là điểm khiến họ trở nên đặc biệt hơn những gia đình khác. Và với gia đình anh Thụy, điểm nổi bật có lẽ ở suy nghĩ và hành động phục vụ cộng đồng luôn được anh và người thân đề cao.

Trên vách là một tấm bảng nhỏ ghi lịch công việc anh Thụy phải thực hiện trong tuần. Đầy ắp, chi chít công tác gắn với bao chức danh, nhiệm vụ vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui của người biện sở, người công dân gương mẫu được cống hiến sức mình cho những lý tưởng sống đẹp. Anh Thụy là Trưởng ấp Long Huê, nhiệm kỳ 2013-2015, kiêm Trưởng ban công tác hòa giải của ấp và là biện sở nhà thờ Long Thới 20 năm liền kiêm Xóm trưởng xóm giáo 3. Từng là tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 10, anh đã cùng người dân trong ấp nhiệt tình hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia thực hiện thành công mô hình dân vận khéo Xóm đạo bình yên cùng địa phương. Nhiều năm liền, gia đình anh giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Diện mạo ấp Long Huê dần đổi thay từ cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đến những con đường bê-tông khang trang và xóm làng không còn các tệ nạn như đá gà, đánh bài, số đề. Khi các tệ nạn vừa nhen nhóm, lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ trong gia đình, các đạo hữu và chính quyền địa phương đã kịp thời dập tắt không để xảy ra. Người dân nơi đây quyết không để hoen ố danh hiệu “Xóm đạo bình yên” đã dày công xây dựng, luôn ra sức giữ vững.

Trong vai trò là người hòa giải, anh Thụy cho biết, xích mích về ranh đất là chuyện thường gặp hơn cả. Trước những sự việc ấy, anh quan niệm “công bằng là hơn”, lợi ích của mỗi người cần hài hòa trong tình làng nghĩa xóm, ai cũng vui vầy cho cuộc sống bình yên. Ấp Long Huê có 28 tổ nhân dân tự quản, mỗi khi triều cường lên, nhiều vườn cây, nhà cửa của người dân bị ngập nước. Hiện có 8 tổ đã làm xong đê bao, anh Thụy và các thành viên khác trong ấp đang vận động nhân dân 20 tổ còn lại sửa chữa tuyến đê bao để bảo vệ lợi ích chung. Hiện ấp còn 2 tổ (ở cồn An Lương) chưa được trải bê-tông đường liên tổ, để giúp bà con đi lại dễ dàng, người trưởng ấp này cũng đang chuẩn bị cho công việc khởi công xây dựng.

Khi được hỏi đâu là động lực khiến anh hết mình với công tác ở địa phương, anh thổ lộ: Bà ngoại tôi trước đây là mụ vườn (người đỡ đẻ), đêm hôm khuya khoắt nhưng hễ có người cần là bà khăn áo đi ngay lập tức. Ông ngoại tôi cũng vậy, hồi đó trong nhà lúc nào ông cũng để sẵn 50 cái ghế và 10 cái bàn, hễ nhà ai có hữu sự thì mượn dùng. Cả ông và bà đều là người nhiệt tình với cộng đồng, với bà con xóm giềng. Tinh thần sẵn sàng phục vụ ấy là tấm gương sống động cho tôi tiếp bước. 

Niềm vui thấy quê hương khởi sắc, tình cảm của người dân xóm đạo gắn kết yêu thương là thành công mà anh Nguyễn Thế Thụy mong mỏi nhất. Kinh tế gia đình anh chưa khá giả, nhưng gia đình anh vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Sự sẻ chia, đồng cảm của người vợ cùng chồng đã hòa nhịp đập yêu thương trong một tình yêu lớn hơn, tình yêu đối với cộng đồng hơn bản thân mình.

Bài, ảnh: THẠCH THẢO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN