Giồng Trôm: Bồi dưỡng, vun đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ
18/09/2024 - 05:25
BDK - Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ. Bác Hồ dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ là rất cần thiết, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Bia lưu niệm Chiến thắng Gò Tranh, tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Hà Vy
Những kết quả đạt được trong giáo dục lịch sử địa phương thời gian qua trên địa bàn huyện Giồng Trôm đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh kết quả, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương vẫn còn tồn tại những khó khăn, cụ thể: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử địa phương còn hạn chế. Nhiều địa danh lịch sử chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng còn thiếu, trình độ chưa đồng đều; các cơ quan ngành huyện và cấp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, bán chuyên trách nên ít có thời gian tiếp cận, tham mưu sâu lĩnh vực lịch sử Đảng. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng, tôn tạo, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn còn hạn chế, thiếu đồng bộ...
Cần phải khẳng định, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương hiện nay rất quan trọng, phải được quan tâm thực hiện hiệu quả để góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 84-KH/HU ngày 25-6-2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy, tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống, kỷ yếu hoặc biên niên sự kiện lịch sử của đơn vị, ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, đảng viên bằng hình thức phù hợp. Đảng bộ các xã, thị trấn khẩn trương hoàn thành việc biên soạn tái bản, bổ sung Lịch sử Đảng bộ địa phương theo Kế hoạch số 201-KH/HU ngày 27-2-2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy, xem đây là công trình thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và xuất bản các ấn phẩm lịch sử phục vụ công tác giáo dục lịch sử. Tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.
Trung tâm Chính trị huyện thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng “Đảng ta thật là vĩ đại” cho cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở theo Quyết định số 2448-QĐ/BTGTW ngày 26-5-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn Lịch sử Đảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm, kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngành giáo dục và đào tạo triển khai, chỉ đạo cụ thể công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương ở các cấp học; đưa nội dung này vào chương trình ngoại khóa để học sinh tiếp cận từ sớm; kiểm tra công tác biên soạn, thẩm định, cập nhật tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo về giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Giồng Trôm trong trường.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cần phát huy vai trò của các di tích, khu lưu niệm, đền thờ, thư viện; thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng, trùng tu, bảo dưỡng, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương. Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, ngành văn hóa, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng thông qua các chương trình, chủ đề, chủ điểm hoạt động của Đoàn, Hội, Đội. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: các cuộc thi; các hoạt động về nguồn, tham quan học tập thực tế các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, thư viện...
Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn huyện, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng, xây dựng các tài liệu tuyên truyền; đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với truyền thông số và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.