Theo Văn phòng Dự án huyện Giồng Trôm, đến nay, hợp phần phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn đã chọn 2 sản phẩm chính là lúa và dừa để hỗ trợ dịch vụ phát triển chuỗi giá trị.
Qua đó đã hình thành các tổ nhóm hợp tác, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nghèo nông thôn, khảo sát, lập danh sách hộ có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất; đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó, nhiều hộ nông dân xã Tân Thanh đã trồng rau màu hiệu quả hơn trước; các cơ sở tiểu - thủ công nghiệp ở các xã Thạnh Phú Đông, Phước Long, Sơn Phú có điều kiện mở rộng qui mô, thu hút lao động nông nhàn tại địa phương.
Đối với các công trình sử dụng vốn CIF, Giồng Trôm đã triển khai xây dựng 27/40 công trình được phân bổ nguồn vốn năm 2010. Các công trình còn lại đang được hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo tiến độ thực hiện trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, góc thông tin của dự án được phát huy, giá cả thị trường, tài liệu khoa học - kỹ thuật, chủ trương, chính sách và thông tin mới được cập nhật, người dân có điều kiện tiếp cận thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng văn phòng dự án huyện Giồng Trôm: Thuận lợi lớn nhất của dự án là các hợp phần đều phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, nhất là hộ nghèo nông thôn nên nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng. Tuy nhiên, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chưa đảm bảo đối tượng, đã ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng 10% quỹ đầu tư cấp xã (CIF). Đây là vấn đề mà Giồng Trôm sẽ tiếp tục nghiên cứu, khắc phục nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.