Phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ chủ chốt và báo cáo viên các tỉnh, thành, cơ quan TW phía Bắc, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa nói: yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trước xu thế “xâm lăng văn hoá’’ đang đặt ra một cách trực tiếp.
Điều này đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận và báo chí phải nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vững vàng, không giao động trước những trào lưu, khuynh hướng chính trị, tư tưởng văn hoá từ bên ngoài vào nước ta.
Sở dĩ có những đòi hỏi trên bởi quá trình hội nhập sâu và trực tiếp vào đời sống kinh tế quốc tế, giao lưu, hợp tác quốc tế tạo nhiều thách thức hơn, vì những khuynh hướng tư tưởng bên ngoài xâm nhập vào nước ta, tác động nhanh và mạnh vào tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ ngày càng điên cuồng, quyết liệt và tinh vi hơn. Chúng coi tư tưởng, lý luận và báo chí là khâu đột phá để tấn công vào Đảng ta, vào nền tảng tư tưởng của cách mạng nước ta.
Hội nghị Trung ương 5, Khóa X đã bàn và ra 4 nghị quyết đều nhằm xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Trong đó chú trọng đổi mới chính trị trong quan hệ đồng bộ với đổi mới kinh tế đã được tiến hành trong những năm qua, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra tại Đại hội X của Đảng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức, bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.
Toàn bộ nội dung Hội nghị Trung ương 5, khoá X tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, trong đó những vấn đề cốt lõi là: Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới là một bộ phận cấu thành “đặc biệt quan trọng’’ trong toàn bộ hoạt động của Đảng.
Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí phải làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới, phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải nhằm mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật Đảng; ngăn chặn và phòng ngừa sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước...Phát hiện kịp thời những nhân tố mới, các ưu điểm của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy, bảo vệ, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.